Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần sớm xây dựng danh mục phân loại xanh, thúc đẩy thị trường tài chính xanh

(VTC News) -

Chính phủ cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường tài chính xanh.

Cần sớm xây dựng danh mục phân loại xanh

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu tại hội thảo do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo "Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững", sáng 1/11. 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ đã hệ thống hóa bức tranh toàn cảnh về chính sách Phát triển bền vững hướng tới Net zero Carbon của Việt Nam và những quy định mới nhất của quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu mà Việt Nam cần phải tuân thủ.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: BTC cung cấp)

Theo ông Thọ, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đề ra có 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng đó là Nhân lực xanh và đầu tư Hạ tầng xanh, đồng thời, phải giải quyết được các thách thức lớn, đặc biệt là tài chính để thực hiện.

Cơ hội huy động tài chính khí hậu và tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, hệ thống tài chính, các công ty đa quốc gia và các đối tác phát triển cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và quản lý tài nguyên nước đang mở ra tiềm năng lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu về giảm thiểu phát thải.

Các nguồn vốn này được dành riêng cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy các giải pháp công nghệ số trong quản lý tài nguyên.

Hơn 100 đại biểu dự hội thảo sáng 1/11.

Việc phát hành trái phiếu xanh đã thành công ở nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng có tiềm năng áp dụng mô hình này để huy động vốn cho các dự án chuyển đổi số kết hợp với bảo vệ tài nguyên nước, giảm ô nhiễm và phát thải carbon.

Tích hợp tài chính xanh vào chiến lược phát triển kinh tế sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành nghề, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ, áp dụng mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa tài nguyên.

Chính phủ cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng tài chính kỹ thuật số, hệ thống giám sát và đánh giá môi trường, nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng tài chính khí hậu.

Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững

Trong phiên Toạ đàm, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh, nhận định "mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và lãnh đạo doanh nghiệp trong truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững có thể nói ngắn gọn là mối quan hệ win - win".

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. (Ảnh: BTC cung cấp)

Ông Phước cho rằng báo chí, "thông qua hoạt động tác nghiệp, có thể phần nào nắm bắt được nhu cầu của khách hàng mà các doanh nghiệp về phát triển bền vững đang hướng tới để đạt hiệu quả cao". Ở chiều ngược lại, "việc doanh nghiệp tự thân chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là nguồn cảm hứng cho cơ quan báo chí, khơi gợi trách nhiệm xã hội vốn là sứ mệnh của báo chí, từ đó giúp nhiều thông điệp truyền thông có ý nghĩa đến với độc giả và xã hội".

Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí trong việc truyền thông về kinh tế xanh, phát triển xanh.

Còn bà Chu Kim Thanh- Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam cho biết, PRO Việt Nam đã xác định một trong các chiến lược ưu tiên, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm đầu tiên là truyền thông để tăng cường nhận thức cộng đồng thông qua tuyên truyền và giáo dục.

Bà Chu Kim Thanh- Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam. (Ảnh: BTC cung cấp)

Bà Kim Thanh cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay việc thực thi EPR là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai, là cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn thì báo chí và các cơ quan truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc định hướng phát triển bền vững.

Ông cho rằng cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho doanh nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư vào công nghệ xanh cũng như tăng cường phản ánh kịp thời những kết quả đạt được của ngành dệt may.

Ông Tuấn cũng nhắc lại việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi xanh từ năm 2018 từ định hướng phát triển của Chính phủ cũng như từ việc đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Hiện Việt Nam hiện là quốc gia có thứ hạng cao thứ hai về điểm trung bình quốc gia v-Higg FEM (Higg FEM 2022), chỉ đứng sau Trung Quốc và trước Bangladesh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam. (Ảnh: BTC cung cấp)

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam khẳng định công ty đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng không vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước. Hiện toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu”. 

"Song tất cả các doanh nghiệp cần sự chung tay, đồng hành của các bên. Và các cơ quan báo chí giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ", bà Ánh chia sẻ.

Phương Nam

Tin mới