Sáng 17/12, trình bày tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, thời kỳ trước Đổi mới, nền văn hóa dân chủ mới - văn hóa cứu quốc với tính chất Dân tộc, Khoa học, Đại chúng đã bước đầu được hình thành, đạt nhiều thành tựu trong kháng chiến và kiến quốc, đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, trí tuệ và năng lực sáng tạo của nhân dân, tạo động lực tinh thần quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua yêu nước, góp phần xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Sau hơn 35 năm đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước, của xã hội đầu tư cho văn hóa được nâng lên; hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa không ngừng được mở rộng; đội ngũ làm công tác văn hóa được quan tâm bồi dưỡng, có bước trưởng thành.
Đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được phát huy, đồng thời đã xuất hiện những giá trị văn hóa mới, từng bước được định hình trong đời sống.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu rõ, so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng. Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục.
"Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật… chưa được khắc phục. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Sự yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém đó, phải trả lời cho được vì sao những hạn chế, yếu kém được nhắc lại nhiều lần lâu nay, nhưng vẫn chậm được giải quyết.
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022
Cùng với đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Cần định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa thống nhất hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế, mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của cộng đồng và nhân dân. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, với những chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Do đó, công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay.
"Để phát huy được sức mạnh, vai trò của văn hóa, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Quốc hội sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.