Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi

(VTC News) -

Tại Việt Nam, khí mê-tan phát thải từ chăn nuôi gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính, tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu. Nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích và từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khí phát thải trong chăn nuôi gồm việc sử dụng điện và năng lượng trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; sử dụng điện và năng lượng trong khâu chăn nuôi, ấp nở...; quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi. Đây là yếu tố lớn nhất gây hiệu ứng khí phát thải nhà kính trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sau đó đến chăn nuôi lợn.

Làm rõ vấn đề này, tại hội thảo “Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn – một tác động, đa lợi ích”, tổ chức ngày 31/10, TS. Ninh Thị Len – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: trong chăn nuôi có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải là khí mê-tan (CH4) và khí ôxit nitơ (N2O).

Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2.

TS. Ninh Thị Len, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Để sinh trưởng, phát triển, vật nuôi cần một lượng lớn nitơ để tích luỹ. Nitơ vào qua đường thức ăn được tiêu hoá hấp thu qua đường ruột, phần nitơ không tiêu thụ được bài tiết qua phân và nước tiểu. Sự bài tiết nitơ của vật nuôi liên quan nhiều đến khẩu phần ăn vào.

Theo TS. Ninh Thị Len, các chiến lược dinh dưỡng chủ yếu có thể được sử dụng để giảm tổn thất nitơ trong chăn nuôi là chế biến làm tăng tỷ lệ tiêu hoá thức ăn nói chung và nitơ nói riêng. Thiết lập khẩu phần cân đối để cung cấp protein, axit amin càng gần với nhu cầu của vật nuôi càng tốt. Bổ sung của các chất phụ gia thức ăn vào khẩu phần ăn để cải thiện việc sử dụng nitơ.

Giải pháp giảm khí nhà kính thông qua dinh dưỡng thức ăn cho lợn chủ yếu là để giảm giảm lượng nitơ thải ra trong chất thải của vật nuôi, từ đó gián tiếp giảm khí N2O. Chăn nuôi ở châu Âu đang chú trọng giải pháp này.

Hiện công nghệ và thiết bị kiểm soát chỉ số cacbon trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và chuồng trại cũng bắt đầu được khuyến cáo trong sản xuất ở Việt Nam; cùng với đó là giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học, sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi. Nhìn chung những công nghệ trên đều đã có trong sản xuất chăn nuôi nước ta, nhưng phần lớn chưa được chuyển giao và áp dụng hoàn chỉnh trong các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở trong khu vực chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ nên hiệu quả thấp.

Triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi.

Tại Việt Nam, biện pháp giảm khí nhà kính hiện đang được các cơ quan Nhà nước, truyền thông và người sản xuất quan tâm nhưng chủ yếu trong khâu chăn nuôi, quản lý xử lý chất thải từ chăn nuôi, chế biến thực phẩm, mà chưa quan tâm nhiều đến giải pháp dinh dưỡng thức ăn - yếu tố đầu vào của quá trình chăn nuôi.

TS Ninh Thị Len cũng cho rằng, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường tuyên truyền để người sản xuất thức ăn chăn nuôi hiểu được trách nhiệm và quyền lợi về giảm khí nhà kính trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn nói riêng, chăn nuôi nói chung.

Xây dựng phương pháp tiêu chuẩn để đo phát thải khí nhà kính phù hợp với từng loại hình sản xuất để làm công cụ xác định lượng phát thải thực tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đối với những đơn vị tiên phong đi đầu.

Để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cần triển khai tốt Nghị định hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030.

Cần tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng ngô, sắn và trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Cần phát triển sản xuất thức ăn giàu đạm từ côn trùng như ruồi lính đen, giun trùn quế, tảo biển để thay thế một phần nguyên liệu Protein từ đậu tương. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước có lợi thế như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược. Nhà nước cũng cần xây dựng phương pháp tiêu chuẩn để đo phát thải khí nhà kính phù hợp với từng loại hình sản xuất để làm công cụ xác định lượng phát thải thực tế.

Sau cam kết tại COP26, Thủ tướng ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 nhằm thực hiện Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu.

Để thực hiện cam kết này, ngày14/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Hà An

Tin mới