Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2022, tương đương với tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu gửi thương mại điện tử.
Có thể nói, chuyển phát các bưu gửi thương mại điện tử là một hoạt động quan trọng trong thương mại điện tử, góp phần quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ của các sàn thương mại điện tử.
Mới đây Vụ Bưu Chính (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, hiện nay một số sàn thương mại điện tử đã công khai các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát, như sàn thương mại điện tử Shopee đưa ra các tiêu chí bao gồm: tỷ lệ lấy hàng đúng hạn, tỷ lệ giao hàng đúng hạn, tỷ lệ giao hàng không thành công và tỷ lệ hàng hóa bị thất lạc hoặc hư hại.
Các sàn thương mại điện tử đều tự động chỉ định doanh nghiệp bưu chính thực hiện chuyển phát hàng hóa giao dịch trên sàn dựa trên việc lựa chọn phương thức vận chuyển của các nhà bán hàng (các shop) và người mua hàng. Các lựa chọn phương thức vận chuyển thường là: Hỏa tốc, Nhanh, Tiết kiệm… hoặc các phương thức tương tự.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với các sàn thương mại điện tử về sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát của các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Chí Hiếu)
Sau khi người mua hàng lựa chọn phương thức vận chuyển, các sàn thương mại điện tử sẽ tự động chỉ định 01 doanh nghiệp bưu chính (trong số các doanh nghiệp bưu chính tham gia chuyển phát cho sàn) để thực hiện chuyển phát đơn hàng của người mua. Các sàn thương mại điện tử lựa chọn doanh nghiệp bưu chính thực hiện chuyển phát đơn hàng thường dựa trên các yếu tố: phạm vi hoạt động, giới hạn về cân nặng và kích thước, chất lượng dịch vụ.
Theo đánh giá sơ bộ của các sàn thương mại điện tử, chất lượng dịch vụ chuyển phát các bưu gửi thương mại điện tử ngày càng được nâng cao, thời gian phát bưu gửi ngày càng được rút ngắn, tỷ lệ phát bưu gửi đúng hạn ngày càng cao, đồng thời, cước phí chuyển phát bưu gửi ngày càng giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của dịch vụ chuyển phát bưu gửi thương mại điện tử, được khẳng định qua tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu gửi thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2023 luôn duy trì ở mức 25-30%/năm, vẫn có những phản ánh về việc người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử là người trả tiền cho dịch vụ chuyển phát hàng hóa và mua trên các sàn, nhưng lại không được lựa chọn doanh nghiệp chuyển phát hàng hóa cho mình là không phù hợp.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với các sàn thương mại điện tử về việc công khai, minh bạch hóa việc lựa chọn doanh nghiệp bưu chính, sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát của các sàn thương mại điện tử, đồng thời hiển thị đầy đủ, chính xác kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp trên các sàn thương mại điện tử theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ ngày 01/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bắt đầu có hiệu lực. Theo Điều 4 của Luật này, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.
Đồng thời, Điều 10 của Luật này cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số (như các sàn thương mại điện tử) thực hiện các hành vi hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng số mà không công khai tiêu chí lựa chọn.
Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và Bộ Công Thương đã trao đổi, làm việc với các sàn thương mại điện tử về việc lựa chọn doanh nghiệp bưu chính thực hiện chuyển phát bưu gửi thương mại điện tử để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng (người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử), đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính.