Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần khung pháp lý giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng lậu trên các sàn TMĐT

(VTC News) -

Tọa đàm “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng lậu trên các sàn TMĐT.

Tại Tọa đàm, các diễn giả sẽ cùng thảo luận, trao đổi về thực trạng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và triển vọng mới; những rào cản, vướng mắc giữa cơ chế quản lý và doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Đổi mới chính sách, quy trình quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Quang cảnh Toạ đàm.

Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng trên thị trường mua bán hàng hóa lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng này đang rất phức tạp.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng: "Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng.

Chúng ta phải xây mới chống được, trước mắt thì chống nhưng về lâu dài phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng".

Theo ông Lê, về giải pháp căn cơ, đầu tiên, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0.

Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách, vì vấn đề này đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật rất lớn, không đơn thuần như thương mại truyền thống.

Tiếp theo, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ thương hiệu, nhưng doanh nghiệp phải biết được sản phẩm của mình có đang bị làm giả hay không và cần chủ động phối hợp. Hiện nay Bộ Công Thương có nhiều đường dây nóng, bất kỳ lúc nào thấy có hiện tượng, người tiêu dùng có thể gọi điện báo. Đó là nguồn tin để cơ quan chức năng xử lý, cũng là cách doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình và không bị đơn vị khác làm giả, xâm phạm bản quyền.

Với lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch với những mục tiêu cụ thể để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không những trong thương mại truyền thống mà cả ở không gian thương mại điện tử.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết sẽ trao đổi thông tin thường xuyên hơn với các cơ quan chức năng khác như hải quan, biên phòng để quản lý tốt hơn đối với các loại hàng hóa.

"Chúng tôi cũng kết hợp với các hiệp hội để tuyên truyền đến doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức. Với người tiêu dùng, không chỉ trong thương mại điện tử mà trong quá trình mua hàng hóa nếu gặp các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng thì hãy phối hợp với các cơ quan chức năng, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để chúng tôi tiếp nhận thông tin xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm", ông Lê nói.

Mi Vi

Tin mới