40 năm vẫn nằm ngoài lề sự phát triển
Những ngày tháng 7, khi phong trào “đi du lịch bù” sau Covid-19 vẫn còn sôi sục, các bãi biển khắp từ Bắc vào Nam đông nghịt khách thì Cần Giờ vẫn vắng lặng.
Trước bãi biển 30/4, lác đác mấy nhóm thanh niên đi bộ trên bãi cát. Dưới mặt nước đặc quánh màu phù sa tuyệt nhiên không một bóng người. Một đàn bò của hộ dân lân cận nào đó chăn thả được lùa qua khiến nhóm thanh niên phải dạt sang một bên để tránh.
Phía xa, một vài hàng quán lụp xụp được người dân dựng lên tạm bợ để phục vụ du khách đến vui chơi. Hàng hóa cũng lèo tèo như những quán cóc ven những con phố nhỏ. Nhưng cũng chỉ đến cuối giờ chiều, tất cả đều đóng cửa bởi du khách đã về hết.
“Nước biển Cần Giờ đục gần như quanh năm, đâu có tắm được nên khách có đến cũng chỉ để ăn hải sản rồi lại về luôn”, một người dân Cần Giờ buồn bã nói.
Hàng chục năm nay, Cần Giờ vẫn đìu hiu như thế. Cuộc sống của người dân vẫn khó khăn như thế. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 56 triệu đồng/người/năm, thấp nhất trong số các quận, huyện và chỉ bằng số lẻ của mức 150 triệu đồng/người/năm của TP.HCM.
Năm 2018, tổng mức doanh thu du lịch Cần Giờ đạt hơn 990 tỷ đồng. Dù đã tăng hơn 60% so với năm 2017 nhưng đây vẫn là con số quá khiêm tốn so với tiềm lực phát triển. Như vậy, dù đã “nhập khẩu” vào thành phố được 40 năm nhưng Cần Giờ dường như vẫn nằm ngoài lề sự phát triển năng động của đô thị lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Thậm chí, ngay chính người dân TP.HCM cũng khá mơ hồ về Cần Giờ, dù nơi này chỉ cách hồ Con Rùa chưa đầy 1 giờ chạy xe. “Chỉ hơn 40% người dân TP. HCM biết thành phố có biển”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ.
Với các chuyên gia, trường hợp này thực sự là nghịch lý bởi tiềm năng của huyện ven biển Cần Giờ đã quá rõ ràng. Cần Giờ sở hữu tài nguyên rừng và biển quý giá, đồng thời còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là thế mạnh hiếm nơi nào có được để huyện phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, Cần Giờ mang lại lợi thế “có biển” độc đáo và duy nhất cho một đô thị vốn sâu trong đất liền như TP.HCM. Đây thực sự là món quà vô giá của thiên nhiên, khi biển chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 50 km đường bộ.
Nhiều năm qua, Cần Giờ đã được xác định là 1 trong 3 trung tâm du lịch của TP.HCM, gồm huyện Cần Giờ, trung tâm thành phố và huyện Củ Chi. Tuy nhiên, suốt 4 thập kỷ qua, hệ thống giao thông tại đây vẫn chưa phát triển, hạ tầng dịch vụ du lịch nghèo nàn, cơ sở lưu trú ít, phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn, nhân lực phục vụ du lịch thiếu và yếu, sản phẩm du lịch đơn điệu, manh mún.
Thậm chí, hiện tại Cần Giờ không có nổi một tổ hợp vui chơi, giải trí đúng nghĩa, tất cả cẫn còn hoang sơ, thiếu thốn. Đây chính là nguyên nhân khiến du khách thà chọn đi xa tới Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc hơn là đến với Cần Giờ.
Thắp sáng lại Cần Giờ
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phải thốt lên từng “7 lần nghe về dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” nhưng đến nay huyện ven biển này vẫn như một “nàng công chúa đang ngủ”.
Tuy nhiên, nỗi niềm trăn trở của người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng như người dân Cần Giờ đã được giải tỏa sau khi ngày 12/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 826/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch tiến biển Cần Giờ. Sau hơn chục năm lận đận, Dự án đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
“Với Cần Giờ, TP.HCM trở thành một siêu đô thị có biển, có Khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà các đô thị khác trong cả nước không có”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói.
Dự án mở rộng Khu đô thị du lịch tiến biển Cần Giờ có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án là 11 năm. Về mặt môi trường và bảo tồn, điều thuận lợi là dự án nằm ngoài vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (nơi chấp nhận các hoạt động kinh tế ở cường độ cao) nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên.
“Khu dự trữ sinh quyển không phải vườn quốc gia. Nó cho phép con người được hoạt động, gắn chặt với môi trường. Việc của chúng ta là làm sao để bảo tồn được đa dạng sinh học của hệ sinh thái mẫu ở đó đồng thời kinh tế cũng phát triển được”, TS. Lê Đức Tuấn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp, nguyên Thư ký thường trực Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khẳng định.
Các chuyên gia tin rằng, sau khi được thông qua và triển khai thực hiện, về mặt kinh tế, dự án sẽ tạo ra cú hích, góp phần xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ thành một cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đến các vùng khác của thành phố và khu vực phía Nam; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, gia tăng thu nhập, nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
“Dự án sẽ tạo dựng được một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt trên thế giới”, chuyên gia Đặng Hùng Võ tin tưởng.
Đây cũng là niềm mong mỏi từng ngày của người dân Cần Giờ, để được thực sự sống được bằng du lịch, được thụ hưởng những giá trị đích thực mà rừng vàng, biển bạc mang lại./.
Ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ biển
“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa du lịch và dịch vụ biển lên vị trí đầu tiên trong các ngành kinh tế biển cần ưu tiên phát triển, trước cả kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và nuôi trồng khai thác hải sản.
Chiến lược chỉ rõ cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.