Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết loạt tên lửa đạn đạo mà Iran phóng vào lãnh thổ nước này tối 1/10 đã đánh trúng vị trí các tòa nhà văn phòng và khu vực bảo trì của một số căn cứ thuộc lực lượng không quân Israel (IAF).
Tuy nhiên, IDF cho biết cuộc tấn công không hiệu quả và không gây tổn hại nào cho hoạt động của IAF. Lực lượng này không hứng chịu tổn thất nào về tiêm kích, máy bay không người lái, các loại máy bay khác, kho đạn dược và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Nevatim của Israel sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran cho thấy thiệt hại ở mái nhà chứa máy bay. (Ảnh: Planet Labs)
Israel cũng nhấn mạnh rằng IAF đã tiếp tục hoạt động bình thường sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel.
Dù vậy hình ảnh vệ tinh được AP đăng tải lại cho thấy một nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân quan trọng của Israel hư hại nặng sau vụ tấn công của Iran.
Hình ảnh này được cho là căn cứ không quân Nevatim ở miền nam Israel. Một tòa nhà kỹ thuật bên trong căn cứ bị trúng tên lửa với các mảnh vỡ nằm rải rác xung quanh.
Nevatim là nơi cất giữ những máy bay tiên tiến nhất của không quân Israel, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất.
Đây là lần đầu tiên Israel thừa nhận tên lửa Iran đã đánh trúng căn cứ quân sự của họ. Trước đó, IDF tuyên bố đã "đánh chặn phần lớn" tên lửa Iran, nhưng các video được công bố cho thấy hàng loạt quả đạn lọt qua lưới phòng không Israel và lao xuống đất phát nổ. Dữ liệu đối chiếu địa lý cho thấy những khu vực bị tập kích trong các video gồm sân bay Tel Nof và Nevatim.
Điều này đặt ra nghi vấn với năng lực của lưới phòng không đa tầng đang bảo vệ Israel, cũng như cho thấy chiến thuật "gây quá tải" có thể đã giúp Tehran vượt qua hệ thống phòng thủ của Tel Aviv và đồng minh trong cuộc tấn công đêm 1/10.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh cho hay 90% số tên lửa của họ đã xuyên thủng được lưới phòng không Israel và Tehran chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của đối phương.
Trong cuộc tấn công của Iran vào tháng 4, căn cứ Nevatim cũng trở thành mục tiêu bị tên lửa Iran nhắm tới. Đường băng và một số công trình phụ bên trong căn cứ bị hư hại.
Cả hai cuộc tấn công trên đều cho thấy kho vũ khí của Iran có khả năng vươn tới mọi mục tiêu chiến lược của Israel, kể cả các căn cứ quân sự quan trọng như Nevatim.
Tên lửa siêu vượt âm Fattah của Iran trong một lễ duyệt binh. (Ảnh: ESSA News)
Điều này thể hiện rõ qua việc Iran tuyên bố lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah trong cuộc tập kích Israel. Tuy nhiên, Israel lại phủ nhận thông tin này.
Thông thường tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.
Iran ra mắt tên lửa siêu vượt âm Fattah vào tháng 6/2023, mô tả đây là "bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa" của nước này. Đồng thời cho biết Fattah có tầm bắn 1.400 km, tốc độ tối đa khoảng 15.000 km/h, nhanh gấp 14 lần âm thanh, và có khả năng "xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ".
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định một mảnh vỡ thu được sau trận tập kích có kết cấu cánh giống tên lửa siêu vượt âm Fattah-1 và tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan.
"Hai mẫu tên lửa này dùng chung hệ thống động lực và rất khó phân biệt, song có thể khẳng định Iran đã dùng những tên lửa tiên tiến nhất trong cuộc tấn công", ông nói.