Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần cơ chế hiện thực quyền của học sinh

(VTC News) -

Theo chuyên gia, trong hệ thống công lập từ trước đến nay, việc có cơ chế để học sinh “được lắng nghe” và “có tiếng nói” gần như là chuyện không tưởng.

Một trong những điều trường học hay bỏ qua nhất là các quyền chính đáng của người học. Quyền có tiếng nói và quyền được lựa chọn là hai quyền căn bản thường được nhấn mạnh nhiều nhất khi triển khai giáo dục phổ thông ở các hệ thống giáo dục tiên tiến, nhưng lại ít được quan tâm tại Việt Nam.

Có thể thấy chỉ một chia sẻ ngắn về học sinh lớp 9 được khuyên “tự nguyện” không dự thi vào 10 thể hiện quyền lợi chính đáng của học sinh đã và đang bị các nhà trường tước bỏ một cách thô bạo.

Học sinh có quyền được lắng nghe và có tiếng nói. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Quyền được lắng nghe và có tiếng nói

Giáo dục phổ thông Việt Nam bên cạnh những điểm mạnh về kiến thức và tính hiệu quả dựa trên chi phí giáo dục thấp thì cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Một trong những điểm yếu đó là sự đơn điệu, ít lựa chọn của hệ thống giáo dục và tiếng nói của học sinh gần như không được lắng nghe.

Bên cạnh đó, lựa chọn phát triển của học sinh cũng bị uốn nắn theo những chỉ tiêu thành tích của trường học. Mà phần lớn các chỉ tiêu này không phản ánh đầy đủ hết sự phát triển của học sinh. Cụ thể trường hợp này chính là điểm số trung bình của học sinh khi thi vào lớp 10 và xa hơn là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp.

Cần khẳng định thực tế hiện nay học sinh chưa có kênh để nói lên tiếng nói của mình, đặc biệt là với các trường trong hệ thống công lập. Khi không có tiếng nói phản biện thì tất yếu sẽ phát sinh những vấn đề trầm trọng ngoài ý muốn như thời gian vừa qua.

Quyền có tiếng nói và quyền được lựa chọn là hai quyền căn bản thường được nhấn mạnh nhiều nhất khi triển khai giáo dục phổ thông ở các hệ thống giáo dục tiên tiến, nhưng lại ít được quan tâm tại Việt Nam.

TS Đàm Quang Minh

Vì vậy, việc đầu tiên là cần tôn trọng lựa chọn của học sinh dựa trên việc sẵn sàng lắng nghe và có kênh chính thức để học sinh, phụ huynh có tiếng nói thực chất, chứ không phải mọi bức xúc sẽ được xả qua kênh mạng xã hội như hiện nay.

Cần cơ chế hiện thực quyền của học sinh

Trong hệ thống công lập từ trước đến nay, việc có cơ chế để học sinh “được lắng nghe” và “có tiếng nói” gần như là chuyện không tưởng. Vì vậy việc “có quyền lựa chọn” dành cho học sinh sẽ còn xa vời hơn nhiều với cơ chế hiện nay.

Để học sinh có tiếng nói, khối các trường phổ thông cần cơ chế lấy ý kiến phụ huynh và học sinh một cách khách quan, hơn là chỉ nghe báo một chiều từ nhà trường.

Việc lấy ý kiến khảo sát phụ huynh và học sinh là công cụ bắt buộc đối với các trường trong hệ thống các trường tư thục và quốc tế, giúp nhà quản lý có cái nhìn đúng đắn và chính xác những gì đang diễn ra trong nhà trường.

Việc học sinh, phụ huynh không được lấy ý kiến thường xuyên và chính thức như hiện này thì các vấn đề nhức nhối như vừa qua sẽ không phải đơn lẻ.

Các vấn đề sẽ phát sinh ở nhiều chỗ và phức tạp hơn. Cách vận hành của các trường quốc tế và tư thục với hệ thống lấy ý kiến phản hồi thường xuyên sẽ là gợi ý tốt để hệ thống trường công lập trở nên có trách nhiệm hơn.

Kiểm định và minh bạch

Nếu như với bậc giáo dục đại học, các trường đã hoạt động ba công khai từ rất lâu nhưng với các trường phổ thông thì đơn vị nhận báo cáo duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước. Các bên liên quan khác ngoài xã hội không có cơ hội được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về các hoạt động của nhà trường.

Cần có cơ chế thực hiện quyền của học sinh. (Ảnh minh hoạ: P.T)

Kinh nghiệm quản trị trường học tại nhiều quốc gia cho thấy cộng đồng mới là kênh giám sát hiệu quả và hữu hiệu. Các thông tin của nhà trường cần được minh bạch khi đó sẽ giải quyết được mấy vấn đề cùng một lúc.

Thứ nhất, giảm tải các hoạt động thanh kiểm tra và sổ sách mang nặng hành chính tốn nhiều công sức của giáo viên.

Thứ hai, là minh bạch hóa các hoạt động giúp tăng tính giám sát của cộng đồng. Cần đưa quản lý trường học mang tính tập trung từ ngành dọc sang quản lý đa chiều từ cộng đồng và xã hội gắn với trách nhiệm giải trình.

Luật Giáo dục nhắc tới việc kiểm định ở bậc phổ thông, nhưng hoàn toàn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc này. Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động thể hiện tinh thần tự chủ và giám sát chất lượng cũng như lắng nghe ý kiến phản biện nhiều chiều.

Đây cũng là mấu chốt của chuyển đổi nguyên lý quản trị tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, chỉ như vậy mới có thể giải phóng được sức sáng tạo và phát triển mạnh mẽ khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực giáo dục phổ thông.

Từ một sự việc mang tính sự cố hay scandal về giáo dục, nếu chúng ta giải quyết mang tính tình huống thì sẽ không giải quyết được gốc rễ, vì bản chất của vấn đề vẫn không được giải quyết.

Thực tế là hệ thống quản lý giáo dục phổ thông theo hướng tập trung hiện nay bộc lộ sự cứng nhắc và quá hành chính, với mô hình đó rất khó phát huy tính mở, tính đa dạng và sáng tạo cần được phát huy của giáo dục.  

TS ĐÀM QUANG MINH (Tổ chức giáo dục EQuest)

Tin mới