Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh quá trình làm thủ công gọng kính giá 6 triệu đồng

(VTC News) -

Với bàn tay tài hoa, anh Trần Xuân Hiến đã biến những thanh tre, mảnh gỗ hay mảnh sừng thành các gọng kính đẹp mắt thu hút khách hàng, giá trị lên đến 6 triệu đồng.

Từ những chiếc gọng kính được làm bởi vật liệu thân thuộc và thuần việt như gỗ, sừng, tre tại một xưởng sản xuất nhỏ, tới nay những chiếc gọng kính cá tính mang thương hiệu của anh Trần Xuân Hiến đã khá phổ biến, được nhiều người yêu thích tìm đến. Anh Hiến là người sáng lập của thương hiệu gọng kính thủ công Việt Nam - Shigeru.

Anh Hiến chia sẻ, anh vốn sinh ra tại làng nghề thủ công Phú Xuyên (da giày, gỗ) nên đã sớm có niềm yêu thích với nghề thủ công. Khi lớn lên, cú ngoặt nghề nghiệp của anh là thời điểm anh theo học đồ hoạ và chuyển hướng trở thành một nhân viên văn phòng chuyên làm đồ hoạ cho một thương hiệu kính Nhật Bản tại TP.HCM.

"Sau khi ra trường năm 2012, tôi đi xin việc, công việc này đến rất tình cờ khi nhận đi phỏng vấn thay cho người bạn. Tình cờ tôi gặp bác Shigeru, lúc ấy tôi được nhận và làm việc đồ hoạ bình thường. Bên cạnh đó, tôi cũng được chỉ dạy thêm về thiết kế, bản vẽ và chế tác kính. Sau khoảng 1 năm thì tôi về xưởng tại Bình Dương để làm việc, chuyên về thiết kế và chế tác gọng kính. Tuy nhiên một sự cố khiến xưởng bị cháy và bác Shigeru phải trở về Nhật Bản. Dù vậy, hình ảnh những chiếc kính và bác Shigeru luôn trong tâm trí tôi. Từ đó, mình bắt đầu mày mò làm kính thủ công trở lại. Và ý tưởng về sản xuất kính gọng gỗ, đặt tên thương hiệu là Shigeru dần nhen nhóm", anh Hiến chia sẻ.

Trong thời gian làm việc, anh Hiến tích cóp được một số tiền và đổ hết vào để khởi nghiệp với nghề làm gọng kính thủ công từ số vốn vỏn vẹn chỉ 70 - 80 triệu đồng. Những khó khăn ban đầu đến từ nhiều phía như nguyên vật liệu, phương pháp làm, tiêu thụ hàng chậm. "Tôi thử nghiệm vật liệu đầu tiên là gỗ, những chiếc kính đầu tiên ra đời đơn sơ mộc mạc nhưng tôi vẫn thử đưa lên và may mắn được nhiều người yêu thích. Tôi đã cho ra lò đợt đầu tiên là khoảng 100 chiếc kính. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, kính bán đi rất chậm khiến tôi lo lắng. Sau một năm, tôi quyết định quay lại công việc làm đồ hoạ để có tiền trang trải cuộc sống và vẫn song song thử nghiệm làm kính với các vật liệu khác nhau. Cứ như vậy, sáng đi làm, tối lại ở xưởng để nghiên cứu. Tới năm 2017, Shigeru mới ra mắt trên Facebook", anh Hiến cho hay.

Một chiếc kính được ra lò sẽ trải qua những công đoạn cụ thể, gồm: lên ý tưởng và chọn chất liệu cho chiếc kính, lấy số đo, lên bản vẽ gửi khách hàng và thực hiện làm kính... tất cả đều được thực hiện thủ công bằng tay và do chính Hiến là người đảm nhiệm. "Do quê tôi có gỗ, từ nhỏ mình đã thích có một chiếc kính gỗ nên tôi chọn luôn gỗ là vật liệu đầu tiên. Sau đó thì tôi sử dụng kết hợp thêm nhiều vật liệu khác như sừng trâu nước, tre... để làm kính. Những vật liệu này có đặc tính khác nhau nên cũng cần thời gian dài để tìm hiểu, làm quen để biến những vật liệu này thành những chiếc gọng kính", anh Hiến nói.

Theo anh Hiến, điều làm nên sự khác biệt của anh phần lớn ở thiết kế khi Shigeru có số lượng thiết kế khá đa dạng. Không chỉ vậy, người dùng còn có thể "may đo" kính trực tiếp, theo đó các số đo khuôn mặt được lấy và đo chuẩn, chiếc kính được tạo ra dựa trên số đo sẽ là duy nhất và chỉ dành cho chủ nhân.

Bên cạnh đó, vật liệu cũng là một điểm khác biệt. Thay vì sử dụng chất liệu nhựa công nghiệp, không thể tái chế có thể gây hại môi trường, những chiếc gọng kính tại đây được lựa chọn từ vật liệu tự nhiên. Lợi thế của chất liệu này theo chia sẻ của Hiến nằm ở độ phong phú và ngẫu nhiên trong các vân màu. Đây là điều mà màu công nghiệp sẽ không bao giờ tạo ra giống hệt được. Không chỉ vậy, chất liệu thân thiện, dễ dàng tái chế và giảm thiểu gánh nặng môi trường còn góp phần tạo nên sự bền vững.

"Vì là vật liệu tự nhiên, nên việc sản xuất đòi hỏi tay nghề cao và kinh nghiệm của người thợ làm kính. Tất cả đều phải làm thủ công và khó sản xuất hàng loạt. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn phải chọn lựa rất kỹ nguồn nguyên liệu, từ lúc nhập mua đến cả trong lúc làm kính. Nếu phát hiện có những khuyết điểm từ vật liệu dù nhỏ, chúng tôi cũng sẽ loại bỏ ngay. Điều này làm mất rất nhiều thời gian vào việc sản xuất. Nhưng nhờ đó, việc làm nhiều, thử nghiệm và trải nghiệm nhiều, chúng tôi đã có những thay đổi để phù hợp với từng chất liệu và cải thiện cho sản phẩm ngày càng tốt lên", anh Hiến chia sẻ thêm.

Trong suốt thời gian làm việc với doanh nhân người Nhật, bài học quan trọng nhất Hiến có được chính là sự tận tâm với nghề, là cách mà bác Shigeru luôn trau chuốt và tỉ mỉ trong từng sản phẩm. Cũng chính vì lẽ đó, mỗi sản phẩm của anh Hiến luôn có yêu cầu cao về chất liệu, chất lượng hoàn thiện. 

Với những vật liệu thông thường như sừng, anh Hiến cần khoảng từ 1 tuần đến 2 tháng (tùy mẫu) để hoàn thiện. Tuy nhiên, anh Hiến cũng muốn thử thách bản thân hơn nên cũng đưa nhiều chất liệu khác để làm kính như sơn mài, khảm trứng... những chất liệu này có thể đòi hỏi người thợ phải bỏ ra 2 - 3 tháng để hoàn thành một sản phẩm.

Năm 2022, tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2022, anh Hiến đã thực hiện bộ sản phẩm gọng kính với chất liệu, hoạ tiết mang đậm phong cách Việt Nam mang tên "Khắc Nhập". Bộ sản phẩm được làm từ tre kết hợp với các vật liệu khác như sừng, lấy cảm hứng từ tích truyện dân gian cây tre trăm đốt với câu thần chú "khắc nhập khắc nhập". Thiết kế được đánh giá là sáng tạo và mang âm hưởng Việt Nam đã xuất sắc dành giải Nhì tại hội thi.

Không chạy theo số lượng, không chạy theo số đông, anh Hiến lựa chọn một hướng đi riêng và là một trong những người tiên phong nghề làm gọng kính thủ công đa chất liệu tại Hà Nội. Hàng tháng, anh Hiến cho xuất ra thị trường khoảng 35 - 40 chiếc kính các loại. Kính của anh cũng chia ra thành những dòng khác nhau như dòng phổ thông với những thiết kế phổ biến, dễ chấp nhận bởi thị trường; dòng Signature là những thiết kế riêng mang dấu ấn của thương hiệu, những chiếc kính tạo ra có giá trị từ 4 - 6 triệu đồng/1 sản phẩm.

Trí Anh

Tin mới