Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh những khu 'đất vàng' bị bỏ hoang đầy lãng phí ở cố đô Huế

(VTC News) -

Những khu đất nằm ở mặt tiền các tuyến đường trung tâm và có vị trị đắc địa của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng lại bỏ hoang lãng phí suốt nhiều năm.

Căn biệt thự cổ kiểu Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP Huế) có tuổi đời trên 100 năm tuổi này vốn là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi lui tới của nhiều văn - nghệ sĩ nổi tiếng đất Cố đô.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP.Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình này. Theo quyết định này, ngôi biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách được bảo tồn, tôn tạo.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần Hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 Lê Lợi, TP Huế.

Ngoài ra, UBND TP Huế cũng tính đến phương án xem việc thuê "thần đèn" Nguyễn Văn Cư di dời ngôi biệt thự cổ nói trên sang vị trí đối diện có phù hợp về mặt không gian hay không. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chính quyền TP Huế và Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có phương án cuối cùng việc tháo dỡ hay di dời đối với ngôi biệt thự cổ kể trên. Cùng với đó, khu đất 26 Lê Lợi cũng đang bị bỏ không một cách lãng phí, trong khi toà nhà và cơ cở vật chất bên trong cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khu nhà đất thứ 2 nằm ở số 15 Lê Lợi (TP Huế) có diện tích khoảng 3.260m2 nằm ở vị trí đắc địa, đẹp nhất bên phía bờ Nam sông Hương thơ mộng nên mọi người thường gọi là khu “đất vàng". Khu đất từng được UBND TP Huế đầu tư xây dựng công trình và cho Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam thuê để kinh doanh từ năm 2010.

Thế nhưng hoạt động của Công ty cổ phần Văn hoá Phương Nam không hiệu quả, chưa thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm và không đáp ứng được mục đích, yêu cầu của phương án tổ chức khai thác nên năm 2018 UBND TP. Huế thu hồi mặt bằng tại địa điểm trên để tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực.

Đầu năm 2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế ra thông báo tổ chức đấu giá cho thuê khu đất trên với diện tích 3.260m2 trong thời gian 30 năm với giá khởi điểm 136.710.0000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do có những lùm xùm, khuất tất mà cuộc đấu giá sau đó bị huỷ và khu đất tiếp tục bị bỏ hoang.

Tháng 4/2022, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND TP khẩn trương xây dựng phương án đấu giá kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở nhà đất số 15 Lê Lợi (TP Huế). Thế nhưng đến nay, khu đất này vẫn nằm trong tình trạng bị bỏ hoang rất đáng tiếc. Trả lời PV VTC News, một lãnh đạo UBND TP Huế cho biết, hiện đơn vị đang chuẩn bị cải tạo lại khu nhà đất này để chuẩn bị cho những phương án sử dụng tiếp theo.

Khu đất tiếp theo trong danh sách này nằm ở số 73 đường Nguyễn Huệ (TP Huế) có diện tích 1.543,2m2 và có vị trí đắc địa khi nằm ở sát núi giao giữa đường Nguyễn Huệ và Lý Thường Kiệt và cũng là  tuyến phố trung tâm sầm uất bậc nhất ở Thừa Thiên - Huế. Khu đất được UBND Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng cho Công ty Việt Thành. Tổng số tiền trúng thầu là hơn 35,7 tỉ đồng.

S

Sau đó, dù quá hạn nhưng công ty nói trên không nộp đủ số tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước. Tỉnh Thừa Thiên - Huế chia lô đất trên làm hai phần và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Thành với diện tích 797m2. Tuy nhiên sau khi được trao giấy chứng nhận, công ty trên chỉ xây dựng phần thô công trình rồi bỏ hoang khu đất nhiều năm.

Đến tháng 7/2020 Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp cho Công ty Việt Thành tại khu đất nêu trên. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền chưa tìm ra nhà đầu tư mới nên khu đất tiếp tục bị bỏ hoang, bên ngoài quây tôn kín mít, bên trong cỏ mọc um tùm.

Khu đất cuối cùng nằm ở 85 Nguyễn Chí Diễu (TP Huế), sát di tích Đại nội Huế. Tháng 11/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư Khu nghỉ dưỡng 6 sao Nama (Nama Resort) cho Công ty TNHH đầu tư du lịch Kinh Thành tại khu đất nêu trên. Theo điều chỉnh dự án lần thứ nhất (ngày 21/6/2017) thì diện tích sử dụng đất khoảng 6.338,1 m2, tổng vốn đầu tư 196,56 tỉ đồng.

Đáng chú ý, khu đất để thực hiện dự án vốn thuộc khu vực bảo vệ một di tích Khâm Thiên Giám – Bộ Học là danh sách di sản cấp I thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Do đó, dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng và tạm dừng triển khai từ năm 2018 đến nay. 

Đến thời điểm hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế cũng khẳng định, hiện vẫn chưa rõ "số phận" của dự án này sẽ thế nào. 

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới