Dự án chợ trung tâm xã Canh Hiệp (Vân Canh) đươc chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135, khởi công vào năm 2020. Đến giữa năm 2022, chợ được bàn giao cho UBND xã Canh Hiệp quản lý tài sản là các ki ốt trong chợ.
Đến nay sau hơn 1 năm bàn giao, chợ này vẫn chưa đi vào hoạt động nhưng một số hạng mục công trình đã có dấu hiệu hư hỏng: đèn thắp sáng trong chợ bị hư hỏng, ổ khóa ki ốt có dấu hiệu rỉ sét, vách tường các ki ốt xuất hiện những vết nứt... khiến người dân hoài nghi về chất lượng công trình.
Xung quanh công trình cỏ mọc um tùm, trở thành nơi người dân thả bò ăn cỏ.
Theo lãnh đạo UBND xã sắp tới sẽ xây dựng chợ giai đoạn 2 thì mới có thể đi vào hoạt động kinh doanh buôn bán. UBND huyện bố trí nguồn vốn 11,9 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2, đã xin chủ trương và được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận đồng ý, hiện đang trong giai đoạn thẩm định thiết kế
Chợ Mỹ Quang (Phù Mỹ) được xây dựng từ năm 2013 trên diện tích 1 ha, với vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng cũng bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, gây lãng phí.
Chợ có các hạng mục như: chợ ngoài trời, khu nhà lồng, khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ… Hiện tại, chợ Mỹ Quang thành nơi đậu ô tô. Bên trong chợ thành nhà kho chất củi, rơm rạ, một số vật dụng khác. Bê tông bị bong tróc, lồi lõm; nhiều nơi nham nhở.
Theo nhiều người dân địa phương, người dân quen mua bán ở chợ Phù Mỹ thuận lợi hơn, hàng hóa nhiều, đa dạng hơn nên ít người vào chợ Mỹ Quang mua bán gây lãng phí ngân sách.
Nhà trưng bày sản phẩm làng rèn Tây Phương Danh (thị xã An Nhơn) do UBND phường Đập Đá làm chủ đầu tư, xây dựng trên khu đất rộng 1.000 m2 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, thị xã, vốn đối ứng của địa phương và người dân đóng góp.
Trong 3 năm đưa vào hoạt động và sử dụng với kỳ vọng góp phần phát triển làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch, nhà trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống rèn Tây Phương Danh ở Bình Định. Tuy nhiên, công trình này luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài" do không có sản phẩm trưng bày, hàng rào khung cửa gỉ sét
Một số hạng mục bên trong như hệ thống điện, nước bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, khuôn viên đầy cỏ dại.
Tháng 7/2016, công trình điểm trường mầm non Thái Xuân thuộc Trường mầm non xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định quyết định chấp thuận xây dựng do UBND TX An Nhơn làm chủ đầu tư. Với diện tích khuôn viên 1.700 m2, vốn đầu tư gần 4,5 tỷ đồng, trong đó 70% từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, phần còn lại lấy từ ngân sách TX An Nhơn.
Điểm Trường mẫu giáo Thái Xuân được xây dựng 1 tầng, có 4 phòng học, sau khi bàn giao và nghiệm thu đưa vào sử dụng thì chỉ dạy 1 phòng còn 3 phòng để trống.
Lãnh đạo UBND Tx An Nhơn cho biết, vì lý do phụ huynh của con em trong khu vực đều đi làm ăn xa nên hầu hết đều cho con em đi học bán trú. Từ đó mới xảy ra tình trạng trường xây xong vẫn chưa đủ khả năng sử dụng vì không có học sinh.
Gần 6 năm, một số hạng mục xuống cấp vì không được sử dụng thường xuyên. Tại thời điểm tháng 3/2023, theo ghi nhận của PV, vật chất bàn ghế, dụng cụ học tập đều hư hỏng và mục nát. Sân trường thành nơi thả bò ăn cỏ.