Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh bờ sông bị 'hà bá' ngoạm nham nhở, dân mất đất sản xuất

(VTC News) -

Người dân sinh sống ven bờ sông Thu Bồn ở Quảng Nam nơm nớp lo sợ trước tình trạng sạt lở ngày càng trầm trọng khiến đất canh tác của bà con bị “nuốt chửng”.

Tình cảnh xói lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kéo dài suốt hàng chục năm qua và đang tiếp tục tịnh tiến vào khu dân cư.

 Ông Trương Phú Hòa (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhị Dinh 3) cho hay, những năm gần đây, bờ sông Thu Bồn đoạn thuộc địa bàn thôn Nhị Dinh 3 thường xuyên bị sạt lở. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, tốc độ xói lở diễn ra rất nhanh. Việc xói lở đã làm thay đổi hình thái ở nhiều đoạn sông gây mất đất sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã phải khăn gói rời đi nơi khác sinh sống.

Trong khi bờ sông Thu Bồn phía xã Điện Phước bị sạt lở thì phía đối diện thuộc xã Điện Trung lại xảy ra bồi lắng dài hơn 500m, rộng 250m.

“Từ năm 2022 đến nay, nguyên đoạn bờ sông kéo dài gần 2 cây số lâm vào tình trạng sạt lở nặng, ăn sâu vào bờ gần cả trăm mét. Trung bình hàng năm có khoảng 2-3 hecta đất sản xuất và đất vườn ven sông bị dòng lũ cuốn trôi. Dự báo khoảng 40 hecta đất nông nghiệp đang có nguy cơ không thể sản xuất” – ông Hòa nói.

Sạt lở đã ảnh hưởng đến khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sống trong khu dân cư Bình Trị. Hiện, vị trí sạt lở còn cách khu dân cư gần nhất 100m. Ngoài ra, nhà cửa của hàng trăm hộ dân sống trong vùng lân cận cũng đang bị đe dọa.

Người dân bỏ hoang ruộng đất ven sông vì lo sợ sạt lở.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở và bồi lắng, nhưng tập trung chủ yếu là tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và thời gian kéo dài đã khiến dòng chảy trên sông thay đổi bất thường.

Qua phân tích các tính toán về dòng chảy và lòng sông, UBND thị xã Điện Bàn nhận thấy giải pháp chung là nạo vét chỉnh dòng chảy, xây dựng công trình kè bảo vệ, trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư.

Dự kiến kinh phí theo phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy là 29,8 tỷ đồng; xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng là 20,0 tỷ đồng và nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường là 15,6 tỷ đồng.

Thanh Ba

Tin mới