Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cận cảnh 8 công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội sắp được kiểm định, bảo tồn

(VTC News) -

Tới đây, 8 công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1954 sẽ được UBND TP Hà Nội ưu tiên kiểm định, đánh giá chi tiết để phục vụ kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang.

UBND TP Hà Nội vừa có yêu cầu khảo sát, kiểm định, đánh giá chất lượng đối với 8 công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP phải thực hiện theo Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) ban hành. Trong ảnh là Trụ sở Công an TP Hà Nội ở 87-89 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo danh mục, 8 công trình kiến trúc gồm: Toà soạn Báo Hà Nội mới (số 44 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm); tháp nước Hàng Đậu (quận Ba Đình); trụ sở Công an TP Hà Nội (số 87-89 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm); Cột cờ Hà Nội (số 28B Điện Biên Phủ, quận Ba Đình); Trường THPT Phan Đình Phùng (số 30 Phan Đình Phùng quận Ba Đình); Trường THPT Chu Văn An (số 10 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), Trường THPT Trần Phú (số 8 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) và Trường THPT Việt Đức (số 47 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm). 

Nằm trên đường Lê Thái Tổ, tòa soạn báo Hànộimới hiện còn giữ nguyên được nét độc đáo của phong cách kiến trúc kiểu Pháp cũ. Với lối thiết kế kiểu Pháp gồm 3 tầng chính, một tầng áp mái, cửa xanh tường vàng đặc trưng, tòa soạn báo Hànộimới như nét vẽ độc đáo giữa những căn nhà hiện đại của đất Thủ đô.

Chiếc tủ kính giới thiệu báo Hànộimới hàng ngày.

Tháp nước Hàng Đậu ban đầu có tên là Đài đầu hay Bốt Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn được xây dựng vào năm 1894 cùng với Tháp nước Đồn Thủy và đóng vai trò là nơi cấp nước cho thành phố những năm Pháp thuộc. 

Tòa tháp nằm tại ngã sáu của các phố cổ: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Đến nay, các họa tiết của tháp được xây theo phong cách kiến trúc Pháp với các ô cửa nhỏ hình vòm cung vẫn được gìn giữ và bảo quản tương đối nguyên vẹn.

Cột cờ Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 1805 đến năm 1812 dưới triều nhà Nguyễn. Công trình có kết cấu dạng tháp gồm 3 tầng đế và một thân cột với tổng chiều cao là 41,4m. 

Công trình được xây dựng trong khuôn viên của Hoàng Thành Thăng Long.

Nằm ở số 47 phố Lý Thường Kiệt (thời Pháp thuộc là đường Carreau), trường THPT Việt Đức nguyên là trường Dòng mang tên Giám mục Puginier, được khánh thành năm 1897.

Kiến trúc của trường Dòng Puginier xưa là một tòa nhà 3 tầng khép kín có hành lang chạy xung quanh. Giai đoạn 1970-1997, trường được chia tách thành 2 trường riêng, một mang tên THPT Việt Đức (học buổi sáng), một mang tên THPT Lý Thường Kiệt (học buổi chiều). Ngày 1/7/1997, trường THPT Việt Đức và THPT Lý Thường Kiệt sáp nhập thành THPT Việt Đức. 

Trường THPT Trần Phú được xây dựng năm 1907 với kiến trúc địa phương vùng Paris và phía bắc của Pháp. 

Các cửa sổ dạng cuốn vòm với bán kính cong nhỏ dần theo phương đứng, dãy cửa thông gió trang trí bằng gạch hoa kết hợp với hàng côngson bằng gỗ đỡ bờ mái nhô ra làm tăng thêm vẻ kỳ thú và rõ nét phong cách kiến trúc địa phương vùng Paris và phía Bắc của Pháp.

Trường THPT Chu Văn An ở số 10 Thụy Khuê, tiền thân là Collège du Protectorat (Trường trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. 

Trường THPT Chu Văn An có 13 tòa nhà, trong đó rất nhiều tòa xây từ thời Pháp.

Trường THPT Phan Đình Phùng ngày nay vốn là trường nam sư phạm (École Normale d'instituteur) đào tạo giáo viên tiểu học thời Pháp thuộc. Đến năm 1923, trường đổi thành Cao đẳng tiểu học Đông Dương (École Primaire Superieur Indochinoise gọi tắt là E.P.S.I) mang tên Đỗ Hữu Vị (phi công đầu tiên ở Đông Dương)

Trường THPT Phan Đình Phùng được thành lập ngày 10/3/1973, sau đó sáp nhập với trường THPT Hoàng Diệu vào năm 1996 để trở thành trường THPT Phan Đình Phùng như ngày nay.

Khánh Thiện

Tin mới