Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cán bộ e dè, né trách nhiệm: TP.HCM thay cả 'cầu thủ lẫn huấn luyện viên'

Theo Bí thư TP.HCM, thành phố đã có giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ chậm trễ, tránh né, sợ sai phạm không dám làm.

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16/4 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có những gợi ý để kinh tế của TP.HCM tăng trưởng trở lại.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế Quý 1 của TP.HCM tăng trưởng chỉ ở mức 0,7%. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16/4.

Bức tranh ngược của nền kinh tế

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, TP.HCM cần quan tâm giải quyết những vấn đề cốt lõi, đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, các đơn hàng trong nước giảm, TP.HCM nên nghiên cứu đánh giá để khai thác thị trường có tiềm năng, như thị trường Trung Quốc. Đây là đất nước có 1,4 tỷ dân, chính sách tiền tệ cũng không quá chặt chẽ như các nước khác. Song song đó, TP.HCM tập trung phát triển ngành thương mại dịch vụ. Bởi, ngành này chiếm 64% cơ cấu GRDP của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn của bất động sản vì lĩnh vực này phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp và xây dựng. Hiện nay, 70% khó khăn của lĩnh vực bất động sản bắt nguồn từ yếu tố pháp lý. Nếu yếu tố này được giải quyết, tự khắc dòng tiền từ nhà đầu tư, tín dụng sẽ đổ vào thị trường.

Về tín dụng ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến hết tháng 3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,6% so với cuối năm 2022. Thông thường tín dụng bất động sản cao hơn so tốc độ tăng tín dụng của nền kinh tế ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên ở TP.HCM tín dụng tăng 1,25% chỉ bằng ½ của cả nền kinh tế, còn tín dụng bất động sản 0,71%. Điều này cho thấy, tín dụng ở TP.HCM là “bức tranh ngược so với bức tranh của nền kinh tế”.

"Ở đây, tất cả cơ chế chính sách về hệ thống thanh khoản đều là như nhau, nhưng tại sao TP.HCM tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản tăng rất thấp. Để từ đó cho thấy nếu tháo gỡ về pháp lý của bất động sản… thì cấu thành này sẽ tăng lên", nữ Thống đốc phân tích thêm.

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự hội nghị.

Rà soát lại công tác cán bộ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế của TP.HCM có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với tăng trưởng chung của cả nước. Trong thời gian qua, đà tăng trưởng của TP.HCM liên tục giảm, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số sản xuất công nghiệp, trong đó chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo giảm so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Năm 2021 đến nay, TP.HCM chỉ có 8 dự án bất động sản được cấp mới. Trong khi đó bình quân mỗi năm của những giai đoạn trước là 70 dự án, thấp nhất là 40 dự án; 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm. Xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ; chỉ số PCI đứng thứ 27; giải ngân đầu tư công thấp; 22 dự án PPP đang tồn đọng chưa được giải quyết.

Nói về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài những khó khăn chung do tình hình thế giới đang ở mức lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, trong nước thì hệ thống chính sách còn chưa đồng bộ, một số vấn đề còn chồng chéo thì những vấn đề nổi lên đó là tâm lý xã hội, niềm tin của thị trường. 

Lấy ví dụ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong năm 2022, TP.HCM gửi 584 văn bản lên hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trả lời 604 văn bản. Hầu hết các vấn đề hỏi đều thuộc thẩm quyền thành phố. Điều này cho thấy một bộ phận cán bộ của thành phố đang có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm.

Góp ý với TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, Thành ủy TP.HCM phải sớm có chủ trương, có chỉ đạo, chỉ thị nhằm phát huy được tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới và bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Phải cụ thể bằng chủ trương, chính sách rõ ràng, đồng thời rà soát lại công tác cán bộ, cần thì luân chuyển điều động bổ sung nhằm tạo xung lực và động lực mới. Ngoài ra, TP.HCM cần có thêm những giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

"Thành lập một tổ công tác giải quyết ngay những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là xử lý dứt điểm dự án bất động sản, dự án PT đang ứ đọng rất nhiều. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cho xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch,  cho chuyển đổi số, cho bất động sản, vui chơi giải trí. Những lĩnh vực là thế mạnh của thành phố", ông Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Đánh giá cao những đóng góp, chia sẻ của các bộ, ngành, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra hai vấn đề cần giải đáp đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố. Về vấn đề dự báo tình hình đúng chưa, ông Nên thừa nhận thành phố đã thực hiện dự báo nhưng mà dự báo chưa tới. Dự báo biến động nhưng không nghĩ tác động sâu đến như vậy.

"Thành ủy, Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kiểm điểm, nghiêm túc đánh giá lại", ông Nên cho biết.

Về vấn đề vì sao TP lại sụt giảm sâu như vậy, ông Nên cho biết, bình thường khi chống dịch người ta thấy một TP.HCM lăn xả, trách nhiệm. Khi phục hồi là nỗ lực phấn đấu phi thường để tạo nên những kết quả quan trọng của năm 2022. Và khi thấy sự sụt giảm thì nhìn thấy rõ hơn là sự chậm trễ, trì trệ, sự tồn đọng, yếu kém.

"Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 16, các nhà khoa học đã nhận xét, đà tăng trưởng của thành phố cứ chậm dần, như “đầu tàu mất đà”. Nghị quyết 11 của Đại hội Đảng toàn quốc đưa ra 3 khâu đột phá, thì nhìn lại đó là 3 điểm nghẽn của TP.HCM hiện nay. Chúng ta đang tìm cách vượt qua những khó khăn nhưng vẫn còn nhiều bất cập về pháp lý", ông Nên nêu thêm. 

Nói về nguồn nhân lực chủ yếu trong hệ thống chính trị, ông Nên cho hay, đang có tình trạng quá tải, một bộ phận cán bộ, công chức không đáp ứng được và một bộ phận có tư tưởng e dè, thiếu trách nhiệm, cầu an. TP.HCM có biện pháp kiểm tra, giám sát và có giải pháp xử lý.

"Có một nguyên nhân nhìn thấy rõ, chúng tôi đang khắc phục và phải khắc phục. Ai chậm trễ, ai tránh né, ai trì trệ, ai không dám làm, ai sợ sai phạm, ai thiếu trách nhiệm… Có những gì cầu an, thận trọng quá mức thì đều có biện pháp. Phân công các đồng chí thường vụ báo cáo, thay đổi "cầu thủ", thậm chí thay đổi cả "huấn luyện viên". Đã triển khai hết rồi", ông Nên thông tin thêm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn chỉnh nghị định về bảo vệ cán bộ để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Việt Đức (VOV-TP.HCM)

Tin mới