Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Căn bệnh ung thư khiến bé gái 3 tuổi bị thâm tím khắp người

Người mẹ nghĩ cơ thể con gái 3 tuổi thâm tím do bé bị ngã nhưng khi đi khám, cô nhận chẩn đoán bé bị ung thư.

Cha mẹ và nhân viên nhà trẻ ở thị trấn Hartlepool (Anh) thấy lo lắng khi bé Amelia McKie, 3 tuổi, bắt đầu kêu mệt mỏi. Bé Amelia được đưa đi cấp cứu khi kêu đau ở chân và có vết bầm tím ở lưng. 

Ban đầu, Sam Hunter, 24 tuổi, nghĩ rằng con gái mình bị cảm lạnh. Nhưng không lâu sau đó, cô bắt đầu lo lắng đó là bệnh bạch cầu. 

Amelia McKie được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu Lympho cấp tính khi mới 3 tuổi. (Ảnh: The Sun)

Người mẹ trẻ nói với Gazette Live: "Tôi nghĩ có lẽ con bị cúm hoặc cảm lạnh, còn vết bầm tím do bị ngã. Nhưng rồi bé sốt và tỉnh dậy giữa đêm, la hét. Chúng tôi nghĩ, chuyện gì đã xảy ra vậy”. 

Bệnh viện chẩn đoán cô bé mắc bệnh bạch cầu Lympho cấp tính. Căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến khoảng 790 người trên tổng số 67 triệu dân ở Anh mỗi năm. Tuy nhiên, đây là loại ung thư phổ biến ở trẻ em, thường gặp ở nhóm từ 1 tới 4 tuổi. 

Sam nhớ lại, cô đã ngồi ở đó, "nước mắt giàn giụa" khi nghe thông báo của bác sĩ. "Tôi nhìn đứa trẻ trông hoàn toàn khỏe mạnh trước mặt, đó là con gái nhỏ của tôi. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao nữa”, Sam nói. 

Amelia hiện được điều trị hóa chất hàng tuần. Cô bé tham gia thử nghiệm lâm sàng tập trung cải thiện cơ hội sống sót cho trẻ em và thanh niên mắc bệnh. Việc điều trị sẽ kéo dài trong 2,5 năm tới, gia đình tin tưởng Amelia sẽ hồi phục. 

Triệu chứng của bệnh bạch cầu ở trẻ em

Theo Cancer.org, bệnh bạch cầu ở trẻ em có các triệu chứng giống nhiều bệnh khác nhưng trẻ nên được đưa đi khám để đảm bảo an toàn. Một số dấu hiệu bệnh: 

- Cảm thấy mệt mỏi, yếu, lạnh, chóng mặt hoặc lâng lâng

- Khó thở

- Da nhợt nhạt hơn

- Nhiễm trùng kèm theo sốt kéo dài

- Dễ bầm tím và chảy máu

- Chảy máu cam thường xuyên hoặc nghiêm trọng

- Chảy máu nướu răng

- Đau xương hoặc khớp

- Sưng bụng

- Chán ăn và giảm cân

- Sưng hạch bạch huyết. 

Gới chuyên môn chưa khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu ở trẻ em. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định trong bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công bệnh trên ngày càng tăng cao, nguy cơ tử vong giảm. 

Nguồn:

Tin mới