Anh Minh Nhật (29 tuổi, Hà Nội) là nhân viên truyền thông cho một công ty ở Hà Nội. Công việc hằng ngày của anh là lên kịch bản và chỉ đạo chương trình. Anh Nhật thường xuyên ngồi nhiều giờ ở cơ quan để làm việc, có lúc lại phải đứng 3, 4 tiếng liên tục chạy chương trình.
3, 4 tháng trở lại đây, chân anh Nhật xuất hiện đau nhức, tê bì. Người đàn ông 29 tuổi chia sẻ những cơn đau nhức chân xuất hiện đã nhiều năm nhưng được một thời gian lại mất đi nên anh không để ý, chỉ nghĩ do đi lại quá nhiều.
Tuy nhiên gần đây cơn đau ngày càng nặng, anh gặp tình trạng chuột rút, chân nhiều lúc tê yếu không cảm giác. Có thời điểm khi đang ngồi, anh đứng lên thì cơn đau nhói trên bàn và bắp chân ập đến khiến anh đứng không vững, lập tức phải ngồi xuống.
Sau khi đến bác sĩ thăm khám, anh Nhật được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch hai chân.
Bác sĩ Mạnh tư vấn cho bệnh nhân. (Ảnh: Thuý Ngà)
Chị Nguyễn Thị Cúc (31 tuổi, nhân viên marketing cho một hệ thống trung tâm gia sư ở Hà Nội) cũng bị đau chân sau thời gian dài ngồi văn phòng, ít đi lại.
Chị Cúc cho biết công việc của chị là thiết kế, đăng bài quảng cáo, tư vấn, chốt và sắp xếp lớp cho học sinh tại trung tâm. Hàng ngày chị Cúc ngồi từ 8h đến 17h30 để nghe điện thoại, trừ lúc ăn trưa tất cả thời gian của chị đều ngồi tại bàn làm việc.
Nhiều hôm về đến nhà vì còn công việc nên chị tiếp tục ngồi bàn làm đến 12h khuya.
"Có những hôm tôi ngồi liên tiếp 10 đến 12 tiếng", chị Cúc nói và cho biết lúc đầu chị cảm thấy không sao. Tuy nhiên thời gian dài không vận động, chị bắt đầu thấy đau nhức xương khớp, đặc biệt là phần lưng và chân.
Lo lắng mình bị vấn đề về thoái hoá đốt sống hay thoát vị đĩa đệm, chị Cúc mua thêm máy massage mini đem đến chỗ làm sử dụng khi lưng nhức mỏi. Tuy nhiên, người phụ nữ bỏ qua mất vấn đề ở chân.
Thời gian gầy đây chị thấy hai chân phù lên, kèm cảm giác nặng chân, đau mỏi, nổi gân xanh. Lúc đầu người phụ nữ nghĩ do mình ngồi quá nhiều máu huyết không lưu thông, triệu chứng đau mất đi khi chị nằm nghỉ ngơi, nằm kê chân cao.
Tuy nhiên cơn đau nhức ngày càng tăng nặng, chị Cúc bị chuột rút về đêm, phần da trên chân ngày càng xám xịt. Quá lo lắng cho sức khoẻ chị đi khám được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch hai chân, nếu đến muộn chút nữa phải can thiệp phẫu thuật.
"May mắn tôi chỉ cần dùng thuốc và tập thể dục, thay đổi lối sống", chị Cúc cho hay.
Nhiều dân văn phòng gặp tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở người béo phì, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, đặc biệt là người thường xuyên đứng, ngồi lâu như dân văn phòng.
Theo bác sĩ Mạnh, dân văn phòng dễ mắc suy giãn tĩnh mạch là do hạn chế vận động, ngồi cả ngày 6 đến 8 tiếng, không đảm bảo cho máu lưu thông thuận lợi, tĩnh mạch ứ máu. Bên cạnh yếu tố ngồi nhiều, ít vận động, nhiều bạn nữ đi giày cao gót, mặc quần chật…cũng làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Vị chuyên gia cho biết, diễn biến của suy giãn tĩnh mạch thường âm thầm, không rõ ràng, vì vậy thường bị bỏ qua ở giai đoạn đầu đến, khi có những biểu hiện bên ngoài mới phát hiện ra.
"Thường mọi người không nghĩ mình mắc suy giãn tĩnh mạch mà nghĩ rằng do thiếu canxi, vì vậy thường đến viện khi tình trạng đã nặng", bác sĩ Mạnh nói và cho biết, giãn tĩnh mạch ban đầu sẽ có các triệu chứng như phù hai chân dưới, kèm cảm giác nặng chân, nổi gân xanh, đỏ, đau mỏi.
Nặng hơn sẽ thấy đau chân, càng về chiều tối, cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, kiến bò, chuột rút càng tăng. Triệu chứng sẽ hết khi nghỉ ngơi, nằm kê chân cao.
Suy giãn tĩnh mạch nghĩ đơn giản nhưng biến chứng khó lường. (Ảnh minh hoạ)
Giai đoạn kế tiếp, các tĩnh mạch nông dưới da nổi ngoằn nghoèo, có các đợt viêm tắc tĩnh mạch gây sốt, nhiễm trùng, chảy máu vết loét dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể xuất hiện cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch tách rời thành tĩnh mạch đi về tim, làm thuyên tắc phổi, gây tử vong.
Bác sĩ Mạnh cho biết, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm suy giãn tĩnh mạch có thể điều trị đơn giản bằng cách thay đổi lối sống.
Người bệnh cần chủ động đi lại nhiều hơn, tập luyện thể thao (bơi lội, đi bộ, đạp xe…), uống bù nước đủ, bổ sung chất xơ, trái cây có chứa vitamin E, C.
Sau khoảng 45 phút đến 1 tiếng, bạn nên đứng dậy đi uống nước, vận động nhẹ nhàng, xoay khớp cổ chân, cổ tay.
Đối với nữ giới hạn chế đi giày cao gót, mặc quần bó sát…tăng cường lưu thông máu từ chân về tim. Hằng ngày dành ra 30 phút để tập thể dục nhẹ nhàng. Giảm cân nặng để phòng tránh nguy cơ.