Theo nhóm nghiên cứu tới từ bệnh viện động vật có vú biển lớn nhất thế giới, độ mặn của nước thay đổi do biến đổi khí hậu khiến cá heo phát triển các vết loang lổ hoặc chịu tổn thương về da trên khắp cơ thể. Có những trường hợp, căn bệnh này lan tới 70% bề mặt da của cá heo.
Căn bệnh bí ẩn lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2005 ở New Orleans. Sau đó, nó xuất hiện ở nhiều đàn cá heo trên khắp nước Mỹ và cả Australia.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng tất cả các địa điểm này đều chứng kiến sự thay đổi đột ngột và mạnh về độ mặn.
Một số con cá heo ở Vịnh Jones (Australia) chết vì căn bệnh về da năm 2007. (Ảnh: Đại học bang Mississippi)
Cá heo quen sống với sự thay đổi về độ mặn theo mùa, nhưng chúng rất khó thích nghi ở các vùng nước ngọt. Trong khi đó, nhiều vùng ven biển đang dần biến thành nước ngọt do tần suất mưa bão, lốc xoáy tăng mạnh mang tới lượng mưa bất thường.
Các nhà khoa học dự đoán với tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến như hiện nay, sẽ có thêm nhiều cơn bão cực đoan khiến tình trạng giảm độ mặn ở các vùng ven biển kéo dài nhiều tháng.
Điều này có thể khiến căn bệnh về da trên cá heo xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu của họ có thể cung cấp thông tin cần thiết để chẩn đoán và điều trị những trường hợp bị ảnh hưởng.
Cá heo có tỷ lệ sống tương đối thấp, đặc biệt là những con tiếp xúc với nước ngọt trong thời gian dài.