Thông tư “Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên” của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có nội dung gì mới. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nằm ở mục 7, điều 4.
Nội dung của điều 4: "Không sử dụng mạng xã hội để phán tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục".
Ngay lập tức, quy định không cho phép học sinh, giáo viên sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục đã tạo nên làn sóng trái chiều trong dư luận.
(Ảnh minh họa)
Nhiều học sinh phổ thông tại TP.HCM cho rằng việc quy định như vậy sẽ khiến người học chịu thiệt nếu không may rơi vào tình trạng cần được cộng đồng hỗ trợ.
"Nếu trong môi trường giáo dục có vấn đề gì đó ảnh hưởng xấu đến việc học tập của chúng em mà tụi em không được đăng tải thông tin hay bình luận trên mạng xã hội thì quá bất công. Vấn đề tiêu cực khi chia sẻ trên mạng xã hội là để mọi người biết về vấn đề đó, để thấy được kẽ hở trong ngành giáo dục, biết cái sai ở đâu để thay đổi, sửa lại cho hoàn thiện hơn", một ý kiến cho hay.
"Việc chia sẻ thông tin như vậy có thể giúp được những nạn nhân bị bạo lực hoặc người có tâm tư tình cảm cần chia sẻ. Nếu không được chia sẻ đôi khi có thể khiến họ bị trầm cảm hoặc có những định hướng tiêu cực về xã hội. Theo em mỗi người đều có quyền chia sẻ cũng như bình luận để cho mọi người cùng biết về các vấn đề đó chứ không nên cấm", một học sinh cho hay.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức cho rằng chính việc mơ hồ trong câu chữ khiến nội dung liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội trong Thông tư 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị “ném đá”.
Việc xuất hiện một quy định không thực sự phù hợp với hoàn cảnh hiện nay rất khó để thuyết phục người dạy, người học chấp nhận và tuân thủ. Theo ông Bình, nếu cứ quy định chung chung kiểu “làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” mà không có quy định hành vi cụ thể thì làm sao các trường biết để đưa ra mức xử phạt phù hợp.
“Việc định nghĩa chữ “xấu” chưa rõ ràng. Muốn làm rõ vấn đề, Thông tư phải quy định rõ thế nào là xấu, hành vi nào không được phép. Khi chưa định nghĩa được thế nào là xấu mà cấm thì tất nhiên sẽ gây ra những khó khăn trong việc quản lý công tác này trong môi trường giáo dục. Theo tôi, không nên dùng từ cấm mà dùng từ khuyến khích”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật Kinh Luân cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư có nội dung về sử dụng mạng xã hội như hiện nay là trùng lắp và không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm.
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định về việc phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội cùng các hình thức chế tài cụ thể. Và gần đây nhất thì Luật An ninh mạng cũng đã ra đời với những nội dung chi tiết. Việc ban hành một thông tư không cần thiết với các quy định chung chung khó tránh sự phản ứng trong dư luận.
(Ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn Văn Đức phân tích: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định nghĩa rõ như thế nào thì gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục chứ nếu chỉ ghi cụm từ chung chung như vậy thì dư luận sẽ đặt vấn đề về việc Bộ muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân đã được hiến định.
Những điều quy định trong Hiến pháp nếu bị hạn chế phải bằng luật chứ không thể hạn chế bằng thông tư. Trong trường hợp này theo tôi không cần thiết ban hành các nội dung liên quan đến ứng xử và phát ngôn trên mạng xã hội của giáo viên, học sinh".
Trong khi đó, theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên, quy định không cho giáo viên, học sinh chia sẻ những thông tin tiêu cực về ngành giáo dục là cách làm chưa hợp lý. Không ai mong muốn học sinh – những người đang thụ hưởng lợi ích từ nền giáo dục – đi nói xấu nhà trường, thầy cô nhưng việc lên án những hành động tiêu cực trong môi trường học đường là cần thiết.
Bà Quyên nói: “Mạng xã hội và những điều chia sẻ trên đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Do đó chúng ta không thể cấm được. Thay vì cấm, chúng ta phải tìm giải pháp làm gia tăng yếu tố tích cực cho cộng đồng. Việc cấm cũng là cách chúng ta tuyên bố mình thất bại trong việc kiểm soát thông tin”.
Trong khi đông đảo người dân mong chờ những đổi mới mang tính sáng tạo, thiết thực để giúp sự nghiệp “trồng người” đi lên, hạn chế những tiêu cực không đáng có thì những quy định kiểu rập khuôn như thế này càng khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo bị mất điểm, thậm chí mất uy tín nếu không biết lắng nghe góp ý từ dư luận.