Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảm động người cha 9 năm cõng con bại liệt đi tìm chữ

Đã 9 năm qua, người dân làng Ngòi( Thái Nguyên) không còn lạ lẫm với hình ảnh người cha ngày ngày trèo đèo, lội suối cõng con đi học.

Đã 9 năm qua, người dân làng Ngòi (xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) không còn lạ lẫm với hình ảnh người cha ngày ngày trèo đèo, lội suối cõng con đi học. Có thời gian trời mưa tầm tã hàng tháng, đường sá lầy lội nhưng anh Vinh vẫn đều đặn ngày 4 lượt đưa, đón con gái đến lớp.




Cứ mỗi buổi sáng sớm, dù ngày mưa hay ngày nắng, anh Nông Văn Vinh (1974) lại cõng con gái là Nông Hoài Hương (1999) đến trường.


Dù ngày nắng hay ngày mưa anh Vinh cũng luôn đồng hành cùng con. Ở tuổi 40 mà tóc anh đã bạc thế này.

 


Căn nhà nhỏ bé của cha con cháu Nông Hoài Hương nằm khép mình giữa bốn bề đồi núi. Khi chúng tôi hỏi chuyện cháu Hương, anh Vinh không giấu được nước mắt: “Khi mới lọt lòng, cháu cũng kháu khỉnh, đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Nhưng lúc lên 3 tuổi, tôi thấy con gái đứng lên mà chân không thể bước đi. Vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên để khám, bác sĩ bảo con tôi bị liệt hai chân và giới thiệu xuống bệnh viện Bạch Mai.



Hai vợ chồng tôi lại lặn lội đưa con xuống Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã kiểm tra các chức năng cho cháu. Sau 10 ngày lấy tủy đi xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị ngắn cơ bẩm sinh, không thể đi lại được. Nghe bác sĩ nói mà vợ chồng tôi như sét đánh ngang tai, đau đớn đưa con về nhà.



Mỗi lần nhìn con ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, đôi mắt cháu buồn, phận làm cha như tôi cũng không biết làm gì hơn, thương con chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, cố gắng trồng chè với hy vọng có tiền đưa cháu đi chữa bệnh”.


Anh Vinh bế con gái xuống bậc hè cửa lớp học.

 

“Năm 2004, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Thái Nguyên có tạo điều kiện về chi phí điều trị cho cháu, chồng tôi đưa cháu lên đó tập luyện được 2 tháng. Tuy nhiên chi phí ăn uống tốn kém, nhà lại không có người lao động, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi đành đưa cháu về nhà” - chị Ngân, mẹ Hoài Hương cho biết thêm.

Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

Anh Nông Văn Vinh, làng Ngòi, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên.



Tuy hai chân không đi lại được nhưng Nông Hoài Hương rất hiếu học, em luôn khát khao được đi học như các bạn cùng trang lứa.



“Lên 5 tuổi, thấy bạn bè đi học, Hương cũng đòi bố mẹ đi học mẫu giáo. Chiều lòng con, tôi cõng cháu đến lớp học. Đến lớp, cháu hớn hở nô đùa cùng bạn bè, tôi cũng thấy nhẹ lòng. Chiều tối tôi cõng con về nhà,  trên đường, cháu hỏi: Bố ơi, sao con không đi được như các bạn?...”, anh Vinh trầm giọng.



Nhà anh Vinh cách xa trường học hơn 2km, những hôm trời mưa, đường ngập đến đầu gối thì anh lại phải đưa con đi đường vòng tới 5km mới đến được trường. Thường lệ, cứ 6h sáng, anh Vinh đã đưa con đến trường, trưa 10h30 đi đón con về.


Mùa mưa nước chảy qua con suối to, thì hai cha con phải đi đường vòng.

 

“Sau khi Hoài Hương học xong lớp mẫu giáo, bước vào lớp 1, Trường Tiểu học Động Đạt, cháu lại thường xuyên học cả ngày, có thời gian cả tháng trời ngày 4 lượt tôi đưa cháu đi lại. Con đường trơn nhuội, nhiều khi trượt chân, hai cha con bẩn hết quần áo, thương con tôi lại cõng cháu quay về nhà thay áo mới, khi đến lớp thì cũng muộn.



Đã 9 năm qua, dù mưa gió như thế nào tôi cũng cố gắng không để con nghỉ học. Đôi chân không đi lại được đã là thiệt thòi so với bạn bè, tôi không muốn cháu nó phải thua thiệt với bạn bè về tri thức, đây là quyền cháu đáng được hưởng” - anh Vinh chia sẻ.



Hương buông xuôi, ước mơ đi học để sau này giúp bố mẹ bớt khó khăn luôn cháy bỏng trong cô bé lớp 8 trường THCS Động Đạt. Trong suốt 8 năm học Hương luôn đạt học sinh giỏi, đạt giải nhất trong cuộc thi vở sạch chữ đẹp do trường tổ chức.


Hương ham mê học tập các môn Văn, Sử, Địa

 

Hương tâm sự: “Em muốn học tập tốt để không phụ lòng bố mẹ, bố em vì em đã vất vả nhiều, nhìn bố bạc tóc ở tuổi 40, em rất buồn. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công ơn của cha mẹ. Em chỉ mong tiếp tục được đi học và một ngày em được bước chân vào giảng đường Đại học”.



Để bố bớt gánh nặng, Hương chăm chỉ luyện tập để thỉnh thoảng có thể tự mình đến trường, những chỗ bằng phẳng em cũng có thể tự đi được một đoạn ngắn. Để có thể di chuyển, hai tay Hương chống nạng, em gồng mình dồn toàn bộ cơ thể phía trên lắc mạnh để đôi chân có thể nhấc đi.


Mỗi bước đi của Hương là sự đau đớn.

 


Nói về cô học trò của mình, cô Tạ Thị Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, trường THCS Động Đạt xúc động: “Hương là một học sinh giàu nghị lực, em rất ngoan hiền và hòa nhã với bạn bè. Tôi rất tự hào về cô học trò vượt qua số phận này”.


Theo Kiến Thức



Nguồn:

Tin mới