Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảm biến Isocell HP2 của Samsung Galaxy S23 Ultra có gì đặc biệt?

Cảm biến Isocell HP2 trên Galaxy S23 Ultra được tối ưu hóa và nâng cấp lớn nhằm mang lại khả năng chụp ảnh tốt trong điều kiện thiếu sáng.

Với cảm biến hình ảnh Isocell HP2 độ phân giải 200 MP mới nhất, Samsung tham vọng sẽ tạo ra một chiếc smartphone đáp ứng được cả 2 khía cạnh của máy ảnh: vừa có thể cho ra ảnh có độ phân giải cao, vừa có chất lượng ảnh tốt dù trong bất cứ điều kiện ánh sáng nào.

Theo nguồn tin của Cnet, cảm biến HP2 đang trong quá trình sản xuất số lượng lớn. Mặc dù Samsung không tiết lộ cụ thể thiết bị sẽ sử dụng sản phẩm này, nhiều người cho rằng nó sẽ được trang bị trên mẫu flagship Galaxy S23 Ultra sắp ra mắt vào ngày 1/2 tới.

Dòng flagship Samsung Galaxy S23 sẽ được ra mắt tại sự kiện Unpacked vào đầu tháng 2/2023. (Ảnh: OnLeaks)

Cải tiến camera của Samsung

Thông thường, khi thiết kế cảm biến hình ảnh, các hãng sản xuất thường phải đánh đổi chất lượng ảnh chụp. Tăng độ phân giải tức là thu nhỏ mỗi điểm ảnh trong cảm biến, nhưng kích thước điểm ảnh càng nhỏ, càng khó thu được ánh sáng, khiến những bức ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng kém thường bị nhiều hạt. Các tấm hình này sẽ bị mất chi tiết ở những vùng tối và bị chói ở những vùng sáng như bầu trời.

Song, cảm biến HP2 này sẽ khắc phục toàn bộ nhược điểm và tận dụng mọi điểm ảnh và ánh sáng thu nhận được để cho ra bức ảnh tối ưu, Samsung nói với Cnet. Cảm biến mới của hãng công nghệ Hàn Quốc có thể thu về nhiều ánh sáng hơn, cải thiện khả năng chụp HDR đối với những vật thể quá tối hoặc quá sáng. Thêm vào đó, nếu chụp ở độ phân giải 200 MP, công nghệ AI của Samsung sẽ giúp nâng độ chi tiết của hình ảnh lên.

Isocell HP2 là cảm biến mới đầy hứa hẹn của Samsung. (Ảnh: Cnet)

“Độ phân giải 200 MP sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi chụp ở các buổi hòa nhạc hay hoạt động ngoài trời khi có nhiều chi tiết khác nhau trong cùng khung hình. Đây sẽ không phải là chế độ được đa số người dùng lựa chọn nhưng chắc chắn sẽ cần thiết nếu muốn có những tấm ảnh có độ chi tiết cao”, JoonSeo Yim, Phó chủ tịch mảng phát triển cảm biến của Samsung Electronics chia sẻ.

Hứa hẹn tốt hơn iPhone 14 Pro

Theo Cnet, một trong những kỹ thuật phổ biến nhất để nâng cao chất lượng hình ảnh trên smartphone là gộp điểm ảnh (pixel binning). Công nghệ này sẽ gom các điểm ảnh nhỏ thành một điểm ảnh lớn để thu về nhiều ánh sáng hơn, đồng nghĩa với việc đánh đổi độ phân giải ảnh để giảm nhiễu và cho ra màu sắc tốt hơn.

Samsung không phải là hãng công nghệ duy nhất sử dụng công nghệ này. iPhone 14 Pro, Google Pixel 7, Xiaomi 12T Pro… cũng từng áp dụng kỹ thuật gộp điểm ảnh nhưng hãng công nghệ Hàn Quốc khẳng định HP2 là một trong những cảm biến xuất sắc trên thị trường.

Đơn cử như Apple và Google mới chỉ sử dụng gộp điểm ảnh tỷ lệ 2x2 tức là gộp 4 điểm ảnh nhỏ thành một điểm ảnh lớn. Trong khi đó, Samsung Galaxy S22 đã có thể gộp điểm ảnh tỷ lệ 3x3, biến tấm ảnh từ độ phân giải 108 MP trong điều kiện thường thành ảnh 12 MP trong trường hợp ánh sáng kém.

Với cảm biến HP2, thiết bị có thể chụp ảnh 200 MP với điều kiện ánh sáng tốt. Nhưng nếu tối hơn, công nghệ gộp điểm ảnh sẽ hoạt động theo tỷ lệ 2x2, cho ra ảnh 50 MP. Sau đó, nếu điều kiện quá kém, cảm biến sẽ chuyển sang gộp điểm ảnh tỷ lệ 4x4, cho ra ảnh chỉ 12,5 MP.

Hai cấp độ gộp điểm ảnh này từng xuất hiện trên cảm biến HP3 200 MP được công bố vào năm 2022. Tuy nhiên, cảm biến HP3 sử dụng điểm ảnh nhỏ hơn, thu sáng không hiệu quả. Trong khi đó, HP1 ra mắt từ năm 2021 cũng có công nghệ này nhưng HP2 sẽ khắc phục những điểm yếu của thế hệ cảm biến trước đó.

Cảm biến mới hứa hẹn sẽ đánh bại camera trên iPhone 14 Pro và Samsung Galaxy S22 Ultra. (Ảnh: Cnet)

Nhược điểm của cảm biến mới

Ngoài nâng cao chất lượng ảnh trong điều kiện thiếu sáng, công nghệ gộp điểm ảnh trên HP2 còn có nhiều lợi thế khác như crop ảnh vào vùng trung tâm để người dùng dễ dàng zoom vào những vật thể ở xa.

Đây chính là bước đầu để biến camera trên điện thoại có thể phóng to hình ảnh như máy ảnh kỹ thuật số. Tính năng gộp điểm ảnh còn giúp người dùng quay video 4K 120 khung hình/giây, hay 8K 30 khung hình/giây một cách mượt mà.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng có một vài nhược điểm nhất định. Pixel binning sẽ tốn rất nhiều pin để thực hiện các tác vụ như xử lý điểm ảnh, đồng thời chiếm dụng nhiều bộ nhớ vì lưu trữ các file ảnh chất lượng cao, nặng.

Bên cạnh đó, những cảm biến có độ phân giải cao mặc dù nghe rất hoành tráng nhưng sẽ không thể cho ra những tấm ảnh tốt nếu thiếu ống kính chất lượng. “Chế độ chụp 200 MP sẽ yêu cầu nhiều RAM trống và tốn pin hơn nên tính năng này thường chỉ xuất hiện trên smartphone cao cấp”, Yim cho biết.

Nhưng quan trọng nhất HP2 gặp vấn đề về màu sắc khi chụp ở chế độ 200 MP. Các máy ảnh kỹ thuật sống thường ghi nhận đủ ba màu cơ bản đỏ, xanh lá và xanh dương cho mỗi pixel. Nhưng gộp pixel theo tỷ lệ 4x4 chỉ có thể ghi nhận một trong 3 màu sắc. Do đó, Samsung đã dùng thuật toán để bù vào phần màu sắc bị thiếu hụt.

“Chúng tôi hy vọng cảm biến hình ảnh có độ phân giải cao sẽ trở thành tính năng cơ bản trên smartphone flagship trong tương lai”, đại diện Samsung nói.

Nguồn:

Tin mới