Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cái Tết trên bờ của những dân chài 'ngụ cư' ở lòng hồ thủy điện Sê San 4

(VTC News) -

Sau hàng chục năm lênh đênh sông nước, bè chính là nhà, ước mong được ăn Tết trên bờ của bà con làng chài Sê San 4 thành hiện thực khi cả 29 hộ gia đình đều có nhà riêng.

Những ngày tháng không bến đỗ

Một ngày cuối năm 2019, trong cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi tìm tới làng chài Sê San 4 ở xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai), nơi người dân dành phần lớn thời gian  lênh đênh trên mặt nước, thả lưới, giăng câu, kéo vó trên lòng hồ thủy điện Sê San 4. Chiếc cano của anh cán bộ xã lao vun vút trên lòng hồ. Lát sau, làng chài hiện lên trên nền xanh biếc như ngọc của mặt nước, đẹp như tranh thủy mặc. Rồi những căn nhà bè đơn sơ rõ dần. 

Thấy có khách, anh Nguyễn Văn Triều nhanh nhảu mời chúng tôi vào. Người đàn ông 45 tuổi, quê An Giang này là một trong những nhân khẩu đầu tiên của cái làng toàn dân ngụ cư Sê San 4. 

Một góc làng chài Sê San 4, xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai.

Nhấp ly trà mới pha, Triều kể, hồi xưa ở An Giang nghèo quá, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên vào tháng 4/2010, anh dặn vợ ở nhà chăm sóc con nhỏ, còn mình bỏ lên Tây Nguyên kiếm kế sinh nhai, mong đổi đời.

Tha phương xứ người, chịu cảnh khốn khổ cùng tận, thời gian đầu anh cùng vài người khác mỗi người chỉ có một chiếc bè 3 m2, phía trên phủ tấm bạt rách lỗ chỗ. Họ sống phiêu bạt trên sông Sê San (phụ lưu lớn của sông Mekong bắt nguồn từ Tây Nguyên rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia), hết đánh bắt bên phía Campuchia lại ngược sang lòng hồ thủy điện, cứ thấy cơ quan liên ngành là trốn. Những ngày tháng ấy, tiếng cano của cán bộ là âm thanh gây ám ảnh, sợ hãi nhất với họ. 

“Ròng rã hơn 3 năm trời trốn tránh chính quyền, nhiều lúc khổ đến nỗi muốn bỏ cuộc. Nhưng vợ con ở quê lúc nào cũng mong mình, nên mình không thể nào chùn bước được, kiếm được một ít lại gửi về quê cho gia đình trang trải cuộc sống”, anh Triều tâm sự.

Giờ đây cuộc sống gia đình anh Triều cũng như nhiều hộ dân khác trong làng chài có phần khá giả hơn.

Từ khi có lòng hồ thủy điện Sê San 4, nhiều loại cá có giá trị xuất hiện nên người dân đổ qua nhiều hơn. Khổ nhất là mùa mưa. Mỗi khi mưa bão, mái thuyền bị gió lốc cuốn đi mất, những người đàn ông trụ cột phải làm mọi cách để giữ được chiếc thuyền làm nơi sinh sống cho cả gia đình. Cái lạnh, cái rét và cả cái đói trong những ngày này là ký ức không thể nào quên.

Vừa phơi mẻ cá cơm kéo vó lúc đêm, vợ anh, chị Hà Thị Diễm Bé (38 tuổi, quê An Giang) vừa kể: “Hồi trước nghe chồng nói lên Tây Nguyên làm ăn thì tui cũng chỉ biết vậy. Nhiều lúc muốn lên thăm xem chồng thế nào, cuộc sống có ổn không, vì lần nào gọi điện chồng cũng nói không khổ nhưng không cho lên. Lần đó tui mang theo cả đứa con lớn đánh liều tìm lên, đến nơi mới biết chồng vất vả đến thế nào.

Trúng hôm tui lên thăm, trời mưa gió to, cả hai cha con nó với tui ngồi co ro dưới cái bè bé xíu, cứ sợ con nhỏ đổ bệnh. Đêm cano đi tuần, thấy chồng gấp gáp kêu hai mẹ con cúi thấp xuống để trốn mới thấy tủi nhục làm sao. Có lần khuyên thôi về lại quê, nhưng chồng tui ổng tiếc cái nguồn cá nơi đây nên động viên cả nhà cố gắng. Đến bây giờ cuộc sống ổn định hơn phần nào, vui không sao kể xiết”.

Chị Diễm Bé phơi mẻ cá cơm vừa kéo vó lúc đêm.

Tiếng lành đồn xa, anh Đặng Văn Đầy (quê ở An Giang) cùng hàng chục hộ theo về đây cắm bè sinh nhai, nhưng nỗi buồn của thân phận du ngư lang bạt cứ đeo bám trong lòng, nhất là mỗi khi Tết về.

Nhớ về ngày tháng cũ, anh Đầy kể, Tết ở đây không được như ở trên bờ, không có bánh chưng. Muốn ăn thì phải đặt mà tiền còn không đủ tiêu nên cũng đành thôi. Tết không có tiền, nhiều người ngậm ngùi câu con cá, con tôm ăn qua bữa. Có người nhớ quê tới nỗi đêm về trằn trọc không thể nào ngủ được. Thấy con cái mình Tết không có quần áo mới như trẻ em đồng bằng, anh thương lắm, nên cũng cố giành dụm gửi tiền nhờ  người mua hộ cho bọn trẻ vui.

“Đến năm 2014, cảm thấy ở đây chỉ làm nghề đánh bắt thì không hay nên anh Triều rủ tui với mấy hộ cùng họp lại, làm đơn gửi lên xã xin cấp hộ khẩu thường trú. May mắn sao xã công nhận, cuộc đời như bước sang trang mới. Thời gian đầu mới đóng nhà nổi, cuộc sống kinh tế chưa ổn định, chưa làm ra tiền nên dân nơi đây cứ phải đổi lương thực cho nhau, người trên bờ thì mang thịt rau ra đổi lấy cá, tôm, có cái ăn qua ngày”, anh Đầy kể.

Giấc mơ lên bờ thành hiện thực

Năm 2014, khi xã Ia Tơi vừa thành lập, cán bộ xã họp với đồn biên phòng Sa Thầy để tuyên truyền, vận động người dân về ở cùng một khu, bởi lúc này dân phân ra 2 nhóm sống tách biệt nhau: Người miền Tây và người Huế. Lúc đầu, do chưa tin tưởng, nghĩ sao hồi trước đuổi mà giờ lại gọi về, nên chỉ một vài hộ đến. Phải mất hơn một năm vận động, người dân mới về ở cùng một khu, tạo thành làng chài Sê San 4.

Đến nay, giấc mơ lên bờ của dân làng chài được hiện thực hóa khi chính quyền hiểu nỗi vất vả của họ, huy động mọi sự giúp đỡ để hỗ trợ họ xây nhà trên bờ. 

29 hộ dân làng chài Sê San 4 có nhà ở kiên cố trên bờ.

Hiện 29 hộ của làng chài đều được cấp nhà tại khu đất liền gần kề lòng hồ, rất thuận tiện đi lại. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 400m2 đất và 50 triệu đồng từ nguồn vốn Mặt trận tổ quốc  tỉnh. Đất ở này sẽ được cấp sổ đỏ để họ định cư lâu dài. 

Ngày trước xuôi thuyền đi đánh cá, phụ huynh phải chở theo con cái, “con chữ” cũng trôi nổi, học được dăm chữ lại rơi rụng mất vài ba. Nay có nhà ở cố định, việc học của các cháu thuận tiện hơn rất nhiều, trẻ cũng chuyên cần, giỏi giang hơn.

Nhớ về ngày biết tin được cấp đất, ông Triều rơm rớm nước mắt: “Lúc nghe chính quyền cho lên bờ ở, dân chúng tôi mừng phát khóc. Cuối cùng thì từ cảnh sống lênh đênh, bấp bênh theo con nước, chúng tôi đã có chỗ của mình trên mặt đất, được lên bờ ăn Tết, được an cư để lập nghiệp. Qua nhiều đêm ngủ trong chính căn nhà của mình rồi mà chúng tôi cứ ngỡ là mơ”.

Năm nay được ăn Tết ở nhà mới, phụ nữ làng chài bàn nhau người thì gói bánh chưng, người gói bánh tét, bánh bông lan theo truyền thống quê nhà. Mấy đứa trẻ trong làng tíu tít cười nói vì được chạy nhảy tung tăng trên cạn.

Cũng có người vẫn thích đón Tết dưới lòng bè, như bà Bùi Thị Thủy (64 tuổi, quê An Giang). Bà bộc bạch: “Thấy con cái có nhà mới, các cháu được đón Tết trên bờ, vợ chồng già vui lắm. Nhưng mà mình lớn tuổi rồi, cũng quen cái cảnh sông nước suốt mấy năm nên giờ thích đón Tết dưới này hơn, ở đâu thì nó cũng có cái vui riêng”.

Quá quen với đời sông nước, vợ chồng bà Bùi Thị Thủy thích đón Tết trên bè.

Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, cho biết: “Trước khi họ có chỗ ở ổn định, việc nuôi cá lồng bè còn hạn chế nhưng từ khi được lên bờ, đời sống phát triển hơn, một gia đình có ít nhất 2 tới 3 lồng bè, có hộ tận 10 cái. Bên cạnh đó, việc học của con em cũng được cải thiện. Xã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện hết sức cho các em tới trường”.

"Trong dịp Tết Nguyên Đán 2019, chính quyền địa phương cố gắng chăm lo cho người dân đón Tết đầy đủ. Chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tặng quà Tết cho người nghèo, tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh. Ngoài ra, từ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, UBMT các cấp, đã hỗ trợ tiền, tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Nói chung bà con đón Tết với không khí vui tươi, phấn khởi”, ông Quyền chia sẻ. 

Mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng với những chuyển biến đáng kể và đổi thay tích cực trong suy nghĩ, cách làm, cuộc sống nơi đây chắc chắn sẽ có thêm nhiều gam màu sáng hơn nữa.

THANH HẢI - HIỀN MAI

Tin mới