Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cải tạo các 'dòng sông chết' ở Hà Nội: Bao giờ mới thành hiện thực?

(VTC News) -

Đã nhiều lần Hà Nội có chủ trương cải tạo các "dòng sông chết", nhưng đến nay người dân vẫn sống trong ô nhiễm, mòn mỏi chờ đợi môi trường được cải thiện.

Từ nhiều thập kỷ trở lại đây, hàng loạt dòng sông lớn nhỏ có vai trò đặc biệt quan trọng và ý nghĩa vô cùng to lớn của Hà Nội ô nhiễm trầm trọng.

Nhiều đời lãnh đạo của thành phố có rất nhiều phát biểu thể hiện quyết tâm hồi sinh các "dòng sông chết" này, nhưng đến nay người dân đang sống trong ô nhiễm, mòn mỏi chờ đợi môi trường được cải thiện. 

Sông Tô Lịch chảy qua khu vực nội đô Hà Nội, nơi có mật độ dân số vào nhóm đông đúc nhất cả nước, luôn ô nhiễm trầm trọng. Nhiều năm nay, sông bị người dân coi là kênh chuyển nước thải của thành phố.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày sông Tô Lịch gánh chịu khoảng hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thải trực tiếp. Sông có chiều dài 14,6 km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Có hơn 300 cống lớn xả thải ngày đêm xả trực tiếp xuống sông.

Tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch đã diễn ra từ hơn hai chục năm nay. Nguyên nhân ô nhiễm phần lớn là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra sông.

Sông Nhuệ (Nhuệ Giang) chảy qua địa phận Hà Nội có tổng chiều dài 89,6 km, kéo dài qua 18 quận, huyện; cung cấp nước tưới cho khoảng 44.100 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nước sông Nhuệ đen kịt, ô nhiễm trầm trọng từ nhiều năm nay.

Sông Nhuệ có khoảng 800 điểm xả vào hệ thống, trong đó hơn 310 điểm xả thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị, bệnh viện, làng nghề, trang trại chăn nuôi, hơn 480 điểm xả thải là các cống tiêu dân sinh.

Những năm qua, TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra kế hoạch cải tạo chất lượng nước các dòng sông này, tuy nhiên đến nay sông Nhuệ và các sông nội đô vẫn được gọi là "sông chết" do quá ô nhiễm, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối...

Bà Cấn Thị Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Từ nhiều năm nay sông này đã chết, mức độ ô nhiễm vô cùng trầm trọng. Cứ hô hào khẩu hiệu cải tạo dòng sông chứ hô xong đâu lại vào đấy, chỉ người dân sống quanh khu vực là khổ vì môi trường vô cùng ô nhiễm..."

Theo bà Cấn Thị Hà, sông Nhuệ đang "lây lan mầm bệnh" cho sông Hồng chảy về hạ lưu khi khối lượng lớn nước ô nhiễm đang chảy ra cả ngày đêm.

Sông Đáy (đoạn qua Hà Nội) ô nhiễm nặng từ nhiều năm qua.

Ở rất nhiều đoạn chảy qua Hà Nội, chất thải ô nhiễm tạo thành các bãi bồi ngăn cản dòng chảy thoát nước...

Nước ô nhiễm đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi thối.

Sông Nhuệ (đoạn chảy qua cầu Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) nhìn từ xa vẫn có thể thấy rõ màu nước đen kịt bao quanh bởi khu dân cư đông đúc.

Sông Nhuệ dài 74 km, trong đó đoạn thuộc TP Hà Nội dài hơn 63 km (nối thông với sông Tô Lịch). Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.

Theo quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều thời điểm, sông Nhuệ-Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc.

Người dân xả rác vô tội vạ ra sông Nhuệ (đoạn chảy qua địa bàn xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) ngoài việc gây ra ô nhiễm môi trường nước còn khiến dòng chảy bị cản trở,  nước thoát rất chậm. 

Văn Ngân

Tin mới