“Tôi đã cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân này nhưng đó là điều không thể. Tôi buộc phải rời xa các con của mình và rời xa thế giới này”. Đây là một trong những lời nói cuối cùng của Mandeep Kaur, một phụ nữ gốc Ấn Độ 30 tuổi, trước khi được phát hiện tự tử tại New York (Mỹ).
Trong một đoạn video do chính Mandeep Kaur quay trước khi tự kết liễu cuộc đời, cô đã kể lại về cuộc sống hôn nhân đen tối với hai hàng nước mắt và nói rằng “họ buộc tôi phải chết”.
Mandeep cho biết trong suốt 8 năm kết hôn, cô liên tục chịu cảnh bạo lực gia đình và thủ phạm là chồng cô. Người phụ nữ này cho biết anh ta đánh cô mỗi ngày và thậm chí còn ngoại tình.
“Những người chịu trách nhiệm về cái chết của tôi là chồng tôi và gia đình. Họ không cho tôi sống. Chồng tôi đã đánh đập tôi suốt 8 năm qua”, cô Mandeep vừa khóc vừa chia sẻ trong video.
Cô Mandeep Kaur tố bị chồng bạo hành trong suốt nhiều năm. (Ảnh: Twitter)
Chia sẻ với India Today, chị gái của Mandeep, Kuldeep Kaur, cho biết em gái mình bắt đầu bị bạo lực gia đình ngay sau khi hai vợ chồng chuyển đến New York.
"Em gái tôi kết hôn vào tháng 2/2015. Ngay sau đó, họ chuyển đến New York và em rể tôi bắt đầu có hành vi bạo lực. Anh ta muốn có con trai và muốn có của hồi môn", cô Kuldeep Kaur cho hay.
Vụ việc trên nhận được sự đồng cảm lớn tới các cô dâu thuộc cộng đồng người Ấn Độ sinh sống tại nước ngoài (NRI) trên khắp các nước từ Mỹ, Anh, Australia cho đến Vịnh Ba Tư.
Sau cái chết của Kaur, dư luận đổ dồn sự quan tâm tới số lượng đơn khiếu nại từ hàng nghìn phụ nữ Ấn Độ bị bạo hành và bỏ rơi sau khi cùng chồng sang định cư tại nước ngoài.
Có nhiều vụ án điển hình liên quan tới các cuộc hôn nhân sắp đặt và người vợ sau khi kết hôn sẽ sang nước ngoài định cư cùng chồng. Cũng có trường hợp các cặp đôi kết hôn tại Ấn Độ và sau khi nhận của hồi môn, người chồng ra nước ngoài sinh sống, hứa sẽ quay trở về nhưng không xuất hiện.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị bỏ rơi và bạo hành sau khi cùng chồng định cư tại nước ngoài. (Ảnh: Reuters)
Một báo cáo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho thấy cứ mỗi 8 giờ sẽ có một cô dâu đang sinh sống tại nước ngoài gọi tới kêu cứu.
Trong giai đoạn 2017-2020, cơ quan này đã nhận được 3.955 đơn khiếu nại về hành vi bạo lực gia đình từ những người vợ NRI và ghi nhận 50.000 vụ án hình sự liên quan tới hôn nhân NRI được đệ trình và thủ phạm là người chồng hoặc họ hàng bên chồng.
Các luật sư nhận định có nhiều luật bảo vệ phụ nữ trong các vụ việc trên như luật pháp tại quốc gia nơi họ đang sinh sống và Đạo luật Bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình 2005 của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã thành lập một diễn đàn trực tuyến có tên Madad (tạm dịch: Sự giúp đỡ) nhằm cung cấp những hỗ trợ tài chính và pháp lý. Ngoài ra, các nạn nhân cũng có thể đệ đơn khiếu nại tại các cơ quan đại diện tại nước ngoài của Ấn Độ.
Mặc cho những giải pháp trên, các chuyên gia cho biết rất ít các cô dâu NRI dám đứng ra đòi công bằng. "Dù cho hàng nghìn cô dâu bị bỏ rơi đã nộp đơn khiếu nại, những phụ nữ thực sự đòi được công lý là không đáng kể", một cố vấn hôn nhân tại Delhi cho hay.
"Sự thờ ơ của cơ quan chức năng, sự e ngại của các nạn nhân, khoảng cách địa lý và áp lực từ gia đình phải chịu đựng trong hôn nhân, bất kể nó tồi tệ đến mức nào, khiến cuộc sống của những phụ nữ này trở nên khốn khổ", vị này cho biết.
Nhiều phụ nữ bị đe doạ huỷ visa hoặc một số loại giấy phép khác nếu họ khiếu nại tới cảnh sát hoặc từ chối rút đơn khiếu nại, theo bà Kumari.
Rào cản pháp lý chỉ là một phần của vấn đề. Các nhà hoạt động cho biết hầu hết phụ nữ ở Ấn Độ ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ do mặc cảm.
"Các nạn nhân thường được gia đình khuyên bảo không nên lên tiếng, và họ chịu áp lực phải ở trong những cuộc hôn nhân bạo lực. Ly hôn sẽ đem tới tai tiếng cho gia đình. Chính điều này khiến bạo hành gia đình được tiếp diễn", một tình nguyện viên tại tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền của phụ nữ Sakhi Saheli chia sẻ.
Bất chấp định kiến, nhiều tổ chức đã được thành lập nhằm giúp đỡ những người vợ NRI.
Cô Satwinder Kaur, người sáng lập Hiệp hội Phúc lợi xã hội quốc tế cho những cô dâu NRI, chia sẻ: “Tính đến nay, tổ chức của chúng tôi đã giúp đỡ hơn 900 phụ nữ tìm kiếm công lý sau khi bị bạo hành và bỏ rơi. Chúng tôi hỗ trợ pháp lý miễn phí và tư vấn hôn nhân".
Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại Ấn Độ kêu gọi bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo hành. (Ảnh: AFP)
Trước khi thành lập hiệp hội này, cô Satwinder Kaur cũng từng là nạn nhân của cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Năm 2009, cô Kaur kết hôn tại Ấn Độ. Sau đó, chồng cô bỏ sang Ukraine làm việc và cắt đứt liên lạc.
“Bố mẹ tôi đã chi khoảng 30.000 USD cho của hồi môn và lễ kết hôn của tôi. Số tiền hồi môn này sau đó do chồng tôi và gia đình bên đó giữ”, cô Kaur, 41 tuổi, kể lại. Vào năm 2016, sau nhiều năm bị bỏ rơi, cô Kaur quyết định đệ đơn ly hôn lên toà. Tuy nhiên, vụ ly hôn mới chỉ kết thúc vào hồi đầu tháng 8 này.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh pháp lý, việc cải cách thực sự đòi hỏi phải thay đổi về lối tư duy và bắt đầu từ giáo dục.
Bà Jalota, một cố vấn hôn nhân tại Delhi cho rằng điều cần làm là phải đấu tranh với những hành vi và định kiến phân biệt đối xử, đồng thời đem lại giáo dục chất lượng cao cho thế hệ tương lai.