Âm nhạc Trịnh Công Sơn là vùng đất thánh với nhiều người của quá khứ và cả hiện tại. Từ trong cõi nhớ mênh mang, là triết lý nhân sinh mang màu thiền định, song hành với cuộc đời như lời thủ thỉ, an ủi vỗ về.
Dòng âm nhạc ấy cứ chảy một cách lặng lẽ, đi qua các thế hệ, ngay cả sau 20 năm ông từ giã cõi đời. Nhiều nghệ sĩ đến với âm nhạc của Trịnh như một sự thử thách để vượt qua các giới hạn của chính mình, để chạm vào những đỉnh cao mới. Và cũng có rất nhiều người yêu Trịnh ngoài kia, nơi quán hát cho nhau nghe, những bản tình ca được chơi bằng ghitar mộc. Nhạc Trịnh là một trường phái độc lập, dễ chạm đến lòng người, ai cũng thấy bóng dáng mình ở đó.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. (Ảnh tư liệu)
Trong dòng chảy của Trịnh ca, Khánh Ly là trường hợp đặc biệt nhất, không có người thay thế, quá khứ và cả tương lai. Hai người đến với nhau, đồng hành trong quãng đời thanh xuân, để lại vô vàn dấu ấn. Và khi một người về vực sâu, một người vẫn lãng du trong coi nhớ, nhắc đến họ, vẫn là một huyền thoại.
Tôi có cơ may rong ruổi không nhiều nhưng đủ cảm nhận cái tình thương nhớ của Khánh Ly với cuộc đời này và với cả nhạc Trịnh. Trong con đường hạnh ngộ ấy, có nhiều chuyến đi thiện nguyện. Lúc đến với bệnh nhi ung thư, lúc đến với bệnh nhân tâm thần. Ở đâu, bà cũng được chào đón một cách hồn nhiên, được yêu cầu hát và luôn luôn có Nối vòng tay lớn.
Khánh Ly bảo, với bà, kỷ vật mà Trịnh Công Sơn để lại là cả một tấm lòng rộng mở, yêu thương.
Người ta nói đến những cuộc tình của Trịnh Công Sơn. Ai đó tự nhận là tình nhân một thủa của Trịnh. Nhưng Khánh Ly thì không. Bà hoàn toàn có thể đặt mình trong không gian yêu đương ấy, và cũng chẳng có ai phản đối. Tuy nhiên, Khánh Ly chọn một vị trí khác, là người hiểu Trịnh, là em, là bạn, có lẽ vì thế mà giữ được những thanh âm trong trẻo khi nhắc đến nhau.
Khánh Ly, trong một lần trò chuyện với truyền thông đã nói đại ý rằng, Trịnh Công Sơn và các tác phẩm của ông vốn có vị trí quan trọng trong trái tim công chúng và đời sống nghệ thuật Việt Nam, dù bà hoàn toàn không xuất hiện. Nhưng nếu không có Trịnh Công Sơn, sẽ không có một Khánh Ly được thừa nhận và thành công. Danh ca nói về Trịnh Công Sơn cùng hàm ý sự biết ơn, trân quý vì đã tạo nên một hình hài với thân phận đặc biệt là Khánh Ly, không phải là Lệ Mai như đã từng tồn tại.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Khánh Ly rất ít nói về Trịnh Công Sơn. Và lần nào cũng kiệm lời, chỉ hé lộ một chút xíu nhưng đủ hấp dẫn. Khánh Ly tạo ra một cuộc phiêu lưu và dẫn người ta vào ma trận quan hệ của hai người, rồi thản nhiên bước ra, bỏ mặc công chúng giữa những đồn đoán, tình yêu dành cho nhạc Trịnh. Chuyến đi ấy hiện chưa dừng lại, góp phần tạo nên sức sống tươi mới của nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly trong đời sống đương đại, bất biến.
Và vì học được từ Trịnh một tấm lòng, nên từ khi có cơ hội về nước, Khánh Ly luôn tìm cách để có cho mình một hai chuyến đi trong hành trình mà bà gọi là vòng tay nhân ái ấy, cúi xuống thật gần, nắm lấy bàn tay của những thân phận yếu thế, thật trìu mến. Dù đôi chân thực sự đau nhức và có khi phải cần người dìu nhưng ý chí và nụ cười thì không bao giờ tắt.
Nhớ Trịnh Công Sơn, trong những chuyến hành hương của mình, Khánh Ly từng xuôi theo dấu chân ký ức, trở về nơi in dấu kỷ niệm của hai người, là Huế, Nha Trang, Đà Lạt. Và bà không quên đến phần mộ của tri kỷ, để đặt bó hoa và kể vài câu chuyện phiếm. Cũng có đôi lần, danh ca nối tiếp hành trình dang dở của hai người, đến hát và trò chuyện với sinh viên, có lần ở Huế trong cơn mưa tầm tã. Khánh Ly có thói quen đọc sách ở hậu trường mỗi show diễn, và viết những câu chuyện nhỏ bên bàn nơi khách sạn bà ở.
Thói quen đáng yêu của một người đàn bà bước qua tuổi 75 vẫn khiến người ta ngạc nhiên và yêu quý. Bà tìm gì từ những thói quen ấy, một cuộc tái sinh hay gom nhặt những kỷ niệm? Nói về lòng bao dung, Khánh Ly bảo bà không nghĩ ác về ai, cũng không nghĩ xấu về ai. Như cách Trịnh Công Sơn nhìn cuộc đời, với những tin yêu rất lớn. Có lần, cô ca sĩ nọ làm liveshow nhạc Trịnh và bị nhiều người chê, riêng Khánh Ly lại động viên và chúc mừng.
Không phải do bà ở trên đỉnh cao dòng nhạc ấy. Mà có lẽ, cũng thấm nhuần cái triết lý của Trịnh: “Khi bạn hát một bản tình ca, nghĩa là đang hát về cuộc tình của mình, cứ hát đi, đừng ngại”. 20 năm người về cõi nhớ, đâu đó trên dải đất này có rất nhiều cuộc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Riêng Khánh Ly, ở nước Mỹ xa xôi, nhớ Trịnh một cách rất khác. Bà cảm ơn Trịnh Công Sơn, đã đem đến một tấm lòng và như thế, cũng đủ để hạnh phúc, yêu thương.