Mồng tơi là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình Việt Nam. Không chỉ dễ trồng, mồng tơi còn mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng. Việc tự trồng rau mồng tơi tại nhà không chỉ giúp bạn có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe mà còn tiết kiệm chi phí.
Có hai cách trồng cây mồng tơi tại nhà phổ biến: Trồng bằng cành và trồng bằng hạt. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng, bạn có thể lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của mình.
Cách trồng cây mồng tơi tại nhà (Ảnh: Gardensbythebay)
Trước khi bắt đầu, bạn cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết:
- Hạt hoặc cành mồng tơi: Chọn hạt to, chắc chắn hoặc cành mồng tơi già có 2-3 lá non.
- Đất trồng: Sử dụng đất sạch hoặc đất vườn đã được xử lý, có thể thêm phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng.
- Chậu cây, thùng xốp, hoặc khay nhựa: Nên chọn chậu có đường kính tối thiểu 30cm hoặc thùng xốp có kích thước tương tự. Đục nhiều lỗ ở đáy để thoát nước.
- Phân hữu cơ: Sử dụng phân bò, phân gà hoặc phân dê đã được ủ hoai mục.
- Dụng cụ tưới nước và xẻng trồng cây.
Chuẩn bị chậu: Đặt chậu hoặc thùng xốp ở nơi có ánh sáng mặt trời và thoáng gió. Trộn đất với phân ủ theo tỉ lệ 1:1:1 (cát, phân ủ lá cây và phân bò), cho vào chậu.
Giâm cành và chăm sóc: Dùng tay bới đất tạo hố nhỏ, sau đó lấy cành mồng tơi già (có 2-3 lá non) giâm vào hố, lấp đất lại và tưới nước cho ẩm. Tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất. Khi thấy cành ra rễ và lá, bạn có thể ươm cây.
Tạo giàn: Khi cây cao khoảng 10cm, tạo giàn leo để cây có nơi bám và phát triển tốt hơn.
Sau khoảng 1 tháng, khi cành đã ra rễ, bạn có thể thu hoạch bằng cách cắt sát gốc khoảng 5-10cm để cây tiếp tục phát triển.
Cách trồng mồng tơi bằng cành. (Ảnh: Gardensbythebay)
Việc ươm hạt trước khi gieo giúp cây phát triển đồng đều và nhanh chóng. Dưới đây là các bước cụ thể:
Chọn hạt giống: Để cây trồng phát triển tốt nên lựa chọn hạt giống mồng tơi tốt, hạt to, chắc chắn và nên tránh hạt mềm, có lỗ.
Ngâm hạt: Ngâm hạt trong nước ấm pha theo tỉ lệ 1 nóng 3 lạnh trong khoảng 10-12 tiếng để kích thích nảy mầm.
Chuẩn bị đất và gieo hạt: Tương tự như cách trồng bằng cành, bạn trộn đất với phân hữu cơ và cho vào chậu hoặc thùng xốp, rải đều hạt đã nứt mầm lên đất, mỗi hạt cách nhau khoảng 2-5cm, sau đó lấp đất và tưới nước cho ẩm. Nếu gieo hạt quá dày, cần tách cây ra để phát triển tốt hơn.
Chăm sóc: Tưới nước thường xuyên, khoảng 1 tuần sau hạt sẽ bắt đầu nảy mầm. Tiếp tục chăm sóc cho đến khi cây cao khoảng 15-20cm là có thể thu hoạch. Sau mỗi lần thu hoạch, cần bón thêm phân và tưới nước.
Khi trồng cây mồng tơi tại nhà, việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. Dưới đây là một số lưu ý và mẹo hữu ích mà bạn nên ghi nhớ:
- Mật độ tưới: Vào những ngày nắng nóng, hãy tưới nước cho cây từ 2 lần/ngày để giữ ẩm cho đất. Vào mùa mưa hoặc thời tiết lạnh, chỉ cần tưới 1 lần/ngày để tránh tình trạng ngập úng.
- Thời gian tưới: Nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để nước không bị bay hơi quá nhanh và cây hấp thụ tốt hơn.
(Ảnh: Shutterstock)
- Loại phân: Sử dụng phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Hãy chú ý không bón quá nhiều vì điều này có thể gây hại cho cây.
- Thời điểm bón phân: Ngừng bón phân đạm khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch rau để đảm bảo chất lượng rau.
- Theo dõi sức khỏe cây: Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm sâu bệnh như sâu ăn lá, bệnh đốm nâu hay bệnh xoăn lá.
- Xử lý kịp thời: Nếu phát hiện sâu bọ, hãy loại bỏ chúng ngay và cắt bỏ các lá bị bệnh để cây không bị lây lan.
- Vị trí trồng: Mồng tơi ưa sáng, nhưng không thích nắng gay gắt. Nếu ánh nắng quá mạnh, có thể sử dụng lưới che nắng để bảo vệ cây.
- Thời gian chiếu sáng: Đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng mặt trời khoảng 6-8 giờ mỗi ngày để phát triển tốt.
- Cắt tỉa: Sau mỗi lần thu hoạch, nên cắt tỉa cây để kích thích ra ngọn mới. Bón thêm một lớp phân hữu cơ và tưới nước để cây phục hồi nhanh chóng.
- Theo dõi sự phát triển: Sau khi cắt tỉa, hãy kiểm tra thường xuyên để cây không bị sâu bệnh và phát triển khỏe mạnh.