Liên quan đến chủ đề "Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường", hòm thư "Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn" của Kênh VOV FM89 nhận được câu hỏi của thính giả Phạm Thị Nga ở Ninh Bình gửi qua địa chỉ email vovfm89.vn@gmail của chương trình với nội dung:
"Hợp tác xã của tôi đang sản xuất nông sản sạch. Chúng tôi không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, những ruộng hoa màu bên cạnh sử dụng khá nhiều. Tôi có thể làm gì để ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật từ ruộng xung quanh xâm nhập vào đất trồng của mình?”
Với câu hỏi này, bà Trần Thị Thanh Bình – Ủy viên Hiệp hội hữu cơ Việt Nam tư vấn cho chị Nga cách để ngăn chặn chất hóa học từ thuốc bảo vệ thực vật.
“Bà con phải có đất tập trung để dễ quản lý đầu vào trong quá trình canh tác. Đất và nước phải đạt tiêu chuẩn rau an toàn, nghĩa là không được nhiễm các loại kim loại nặng theo quy định cho phép. Ruộng rau của bà con phải thanh kiểm tra định kỳ chất lượng đất. Toàn bộ xung quanh khu vực này thì phải được trồng cỏ voi để chống sự ô nhiễm từ bên ngoài”, bà Trần Thị Thanh Bình cho biết.
Thống kê cho thấy, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.
Lượng thuốc "khổng lồ" này một phần được đưa vào trong các loại cây trồng, một phần thải ra ngoài môi trường, gây nên những hệ lụy khủng khiếp, trong đó có ô nhiễm môi trường. Chỉ một khoảnh đất có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể gây ảnh hưởng đến vùng đất và nước xung quanh.
Những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường sống rất nhiều, có thể kể đến như làm ô nhiễm môi trường đất, nước, tiêu diệt các vi sinh vật có ích, gây ra nhiều dịch bệnh, đe dọa sức khỏe con người. Mặc dù vậy nhưng con người lại không ý thức được mức độ nguy hại này mà sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, tùy tiện pha chế hỗn hợp khi sử dụng, bao bì, chai lọ đựng thuốc vứt bừa bãi trên đồng ruộng, lượng thuốc dư thừa sau khi sử dụng được đổ trực tiếp vào nguồn nước, ven đường…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Do chủ đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm nên đường dây nóng 0243.773.8989 của Kênh VOV Sức khỏe và An toàn thực phẩm nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các thính giả đặt câu hỏi về việc làm thế nào để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong đó, hầu hết các thính giả băn khoăn rằng, liệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có giúp cây trồng phát triển bình thường không?
Để phần nào giúp các thính giả giải đáp được băn khoăn này, chương trình trích 1 đoạn bài viết của thính giả Đặng Quốc Hưng (Văn Lâm, Hưng Yên) gửi vào fanpage VOV FM89 với nội dung về phương pháp canh tác hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
“Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc đa dạng hoá các loại cây trồng, luân phiên thay đổi giống cây trồng trong các năm là một trong những biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Kẻ thù của cây trồng (sâu, động vật ký sinh…) sẽ biến mất trước khi loài cây yêu thích được gieo trở lại. Loài cây ấy không được gieo trồng quá lâu nên sâu bọ không có điều kiện sinh sôi.
Chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của 1 số nhà bán giống, lựa chọn trồng một số loài cây có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh. Ngoài ra, căn cứ vào đặc tính cây trồng, đất đai thổ nhưỡng, những tiến bộ về phân bón, quy trình thâm canh phù hợp sẽ tạo ra cây trồng khoẻ chống chịu sâu bệnh tốt.
Lưu ý khi diệt cỏ, thường chúng ta diệt cỏ chỉ xới trên mặt hoặc phun thuốc, nhổ bằng tay. Tuy nhiên, cỏ có hệ rễ rất phát triển, có khả năng tái sinh rất nhanh, trước khi trồng, phải diệt cỏ tận gốc, moi cả rễ. Các biện pháp đều nhằm ngăn cỏ dại hút chất dinh dưỡng của cây trồng”.
Diệt cỏ dại góp phần giảm lượng sâu, bệnh phá hoại mùa màng. Ngoài những biện pháp trên, nhà nông cũng có thể tham khảo một số biện pháp làm nông nghiệp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như sử dụng các loại thiên địch phổ biến hiện như các loại nhện, bọ rùa, bọ cánh cứng... Chúng thường sinh sống và phát triển trên các ruộng lúa để săn tìm các loại mồi gây hại cho cây trồng như bọ rầy, sâu non hay trứng sâu.
Trong trường hợp sâu, bệnh đã đến ngưỡng phun để diệt trừ, cần phải tuân thủ theo hướng dẫn trên bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng loại thuốc; Đúng với liều lượng và nồng độ; Đúng lúc; Đúng cách.
Mọi hành vi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vậy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 của Chính phủ quy định việc xử phạt những hành vi phạm trong dùng thuốc bảo vệ thực vật, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn ghi trên nhãn, không thu gom, không để đúng nơi quy định bao gói sau khi sử dụng.
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không có tên trong danh mục cho phép. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm. Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc cấm. Phạt bổ sung tiêu hủy và khắc phục ô nhiễm môi trường.