Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách sử dụng củ đinh lăng tươi

(VTC News) -

Củ đinh lăng được mệnh danh là "nhân sâm của người nghèo" do công dụng tốt và dễ trồng, tuy nhiên muốn phát huy hiệu quả thì bạn phải dùng đúng cách.

Cây đinh lăng được trồng làm cảnh và làm thuốc. Cây này có công dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Lá của nó có thể dùng để làm rau gia vị, đặc biệt phù hợp để ăn kèm với nem chua. Phần quý nhất của cây đinh lăng là củ. 

Cách sử dụng củ đinh lăng tươi

Nói đến dùng đinh lăng làm thuốc chủ yếu là nói về phần củ (rễ). Người ta thường thu hoạch rễ đinh lăng vào mùa thu đông ở những cây đã trồng được 3 năm trở lên, bởi đây là thời gian củ mềm nhất trong năm, có nhiều hoạt chất nhất và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Bạn cần biết cách sử dụng củ đinh lăng tươi để phát huy công dụng của nó. (Ảnh: Tradeindia)

Khi thu hoạch, rễ củ được cắt sát phần gốc (không cắt vào phần củ), sau đó rửa sạch đất cát, để chỗ râm mát, thoáng gió, hong trong một ngày cho ráo nước. Việc phơi trong bóng râm nhằm mục đích giữ cho đinh lăng luôn thơm và ổn định dược tính.

Sau khi ráo nước, cần lựa chọn, phân loại theo đường kính để được thuận tiện, linh hoạt hơn trong việc sử dụng.

Cách sử dụng củ đinh lăng tươi bao gồm ngâm rượu, nấu cháo hoặc kết hợp với nhiều vị thuốc khác để chữa bệnh. 

Cách dùng củ đinh lăng tươi ngâm rượu

Củ đinh lăng rửa dưới vòi nước mạnh cho sạch đất cát mọi ngóc ngách, cạo sạch vỏ phần gốc tiếp giáp với củ để rượu ngâm sau này không bị tanh.

Để thật ráo nước, sau đó có thể thái lát hoặc ngâm nguyên củ. Cách thực hiện dễ nhất là cắt rời từng rễ cho vào bình. Do quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bình rượu nên mọi người thường chọn cách ngâm nguyên củ và xoay chuyển lựa thế đẹp.

Lựa chọn bình thuỷ tinh phù hợp với độ lớn của củ, cho rượu gạo từ 40-45 độ vào bình sao cho ngập hết đinh lăng. Tỷ lệ lý tưởng là 4 lít rượu cho 1kg củ đinh lăng tươi. Nút kín bình, để nơi khô ráo, tránh ánh nắng, sau 30 ngày có thể dùng được.

Cách dùng củ đinh lăng tươi nấu cháo

Rễ đinh lăng tươi rửa sạch, thái lát mỏng, dùng rượu rửa lại, sau đó ướp với gừng đập theo tỉ lệ 10:1. Hành lá cắt nhỏ, hành củ bào mỏng, gứng thái lát.

Cho gạo, tim heo, rễ đinh lăng, hành củ, gừng vào nấu cháo. Khi cháo chín, cho táo đỏ vào nấu thêm 10 phút rồi bắc xuống, rắc hành lá, ăn nóng.

Món này có công dụng bổ huyết, tốt cho người có biểu hiện hụt hơi, khó thở, phục hồi thể trạng cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh và kích thích tăng tiết sữa.

Cách chế biến củ đinh lăng dùng dần

Với củ to, bạn lột lấy vỏ, củ nhỏ thì thái lát mỏng hoặc để nguyên. Củ đinh lăng làm thuốc phải phơi khô trong bóng râm hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50-60 độ C.

Dưới dạng khô, cách dùng củ đinh lăng cũng có nhiều biến tấu, mọi người có thể lựa chọn hình thức phù hợp như phơi sấy khô, sao tẩm thái vụn hoặc tán bột mịn.

Cứ 1kg dược liệu khô, bạn tẩm với 50ml rượu gừng trộn đều rồi sao qua lửa nhỏ, sau đó tẩm tiếp 50ml mật ong rồi sao cho thơm vàng. Để nguội, đóng gói kín, bảo quản nơi khô thoáng để dùng dần.

Công dụng của củ đinh lăng

Củ đinh lăng vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ sau sinh uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa. Đinh lăng được sử dụng phổ biến trong Đông y để hỗ trợ chữa mất ngủ, an thần, cảm sốt, chữa đau nhức và bồi bổ cơ thể.

Rễ đinh lăng chứa saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Mai Linh (Tổng hợp)

Tin mới