Theo VnExpress, một nghiên cứu của Đại học Drexel, nếu thói quen rửa thịt gà sống trước khi nấu sẽ làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn có hại hơn là làm sạch chúng.
Người đứng đầu nghiên cứu Drexel, Tiến sĩ Jennifer Quinlan nói với Davidwolfe: "Rửa gà trước khi nấu không loại bỏ được vi khuẩn mà còn vô tình làm lây lan vi khuẩn ra xung quanh, gây nhiễm độc".
Quinlan cảnh báo: "Hãy nhớ rằng, vi khuẩn như listeria sống trên gà có thể giết chết bạn. Nếu listeria xâm nhập vào máu thì tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là trẻ em khi hệ miễn dịch của chúng yếu hơn người lớn".
Tiến sĩ Quinlan cho biết thêm, salmonella là vi khuẩn vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến tử vong. Vi khuẩn này xâm nhập gây các bệnh như tiêu chảy, đau bụng, mất nước nặng, viêm khớp phản ứng... Ngoài ra, campylobacter là loại vi khuẩn phổ biến có trong thịt gà sống cũng gây ngộ độc thực phẩm.
Do đó, theo tiến sĩ trên, người dùng không nên rửa trước khi nấu, thay vào đó chỉ cần nấu thịt gà ở nhiệt độ tối thiểu 70 độ C. Nhiệt độ này sẽ giết vi khuẩn nên bạn không cần phải lo lắng.
Cũng liên quan đến thịt gà, báo Tiền Phong đưa tin, theo Cơ quan Kiểm định Thực phẩm của Anh (FSA), vi khuẩn có tên khoa học campylobacter là tác nhân chính dẫn tới khoảng 280.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 100 trường hợp tử vong ở Anh mỗi năm.
Những trường hợp nhiễm độc hiện nay được điều trị bằng nhóm thuốc kháng sinh có tên fluoroquinolones, với những thành phần chính phổ biến nhất bao gồm ciprofloaxin và naldixic. Có tới một nửa trong số các loại vi khuẩn mà FSA tìm thấy trong thịt gia cầm đều cho thấy khả năng đề kháng trước cả 2 loại thuốc này. Điều này đồng nghĩa với việc một số bệnh nhân sẽ không thể được chữa trị.
Khả năng kháng thuốc kháng sinh của những loại vi khuẩn này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm; trong khi đó, vào thời điểm năm 2005, chỉ có 15% số vi khuẩn có thể kháng ciprofloaxin và 22% kháng được nalidixic.
Các cuộc thử nghiệm hồi đầu năm của FSA cũng cho thấy loại vi khuẩn campylobacter hiện diện trong hơn 65% lượng thịt gà có trong một số siêu thị ở Anh, với một số siêu thị như Marks & Spencer, Sainsbury’s và Waitrose đều có mức nhiễm khuẩn trên 50%. Nông dân thường bị đổ lỗi cho vấn đề này bởi theo nhiều nhà hoạt động chiến dịch, họ tẩmquá nhiều thuốc kháng sinh trong thức ăn động vật.
Mặc dù loại vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt bằng cách nấu kỹ thức ăn, chúng vẫn có khả năng gây ra tiêu chảy, hội chứng kiết lỵ bao gồm các triệu chứng như chuột rút, sốt và đau người. Trong những trường hợp nguy kịch nó có thể dẫn tới tử vong.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn hiệu quả nhất là: giữ cho nhà bếp luôn vệ sinh, cụ thể là rửa tay; giữ thức ăn nấu đã nấu và chưa nấu riêng biệt. Chúng ta cũng không nên rửa thịt gà dưới vòi nước máy.