Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách phân biệt bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu

(VTC News) -

Bánh trôi, bánh chay và bánh trôi tàu là món ăn truyền thống của người Việt Nam, tuy nhiên không nhiều người phân biệt được 3 loại bánh này.

Bánh trôi, bánh chay là những món không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch). Tuy nhiên, không ít người bị nhầm lẫn giữa bánh trôi và bánh chay, có lẽ cũng bởi 2 loại bánh này gần như sử dụng cùng nguyên liệu và có cách chế biến gần giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khác biệt giúp bạn phân biệt được 2 loại bánh đặc trưng trong ngày Tết Hàn thực.

Cách phân biệt bánh trôi, bánh chay 

Mỗi loại bánh đều sẽ có hương vị, đặc điểm riêng về nhân bánh, cách nặn bánh và cách trình bày, thưởng thức. Vậy nên bạn có thể phân biệt 2 loại bánh này dựa vào các đặc điểm sau: 

Bánh trôi bánh chay - loại bánh truyền thống trong ngày Tết Hàn thực

Về nhân bánh

  • Bánh trôi chủ yếu sử dụng nhân có đường phèn, đường mật hay dừa nạo
  • Bánh chay đơn giản hơn với nhân đậu xanh và cũng có thể là bánh không nhân

Về cách nặn bánh

  • Bánh trôi được nặn thành dạng viên tròn
  • Bánh chay sau khi vo tròn thì được ấn dẹt ở giữa

Về cách trình bày và thưởng thức

  • Trước khi trình bày cần thả bánh trôi vào luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra và thả ngay vào âu nước lạnh. Chờ bánh nguội rồi sắp bánh ra đĩa, rắc vừng rang lên trên và thưởng thức.
  • Bánh chay được thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra rồi vớt ra bát. Bánh chay khi ăn được cho vào bát nước đường, bột sắn dây thanh ngọt, rắc thêm ít hạt vừng và dừa nạo để trông đẹp mắt hơn.

Cách làm bánh trôi Tết Hàn thực

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 500 gr bột gạo nếp, 50 gr bột gạo tẻ, 100 gr đường đỏ viên đã cắt sẵn, 1 bát vừng rang; ít dừa nạo, 1 thìa cà phê nước hoa bưởi.
  • Dùng phới lồng trộn đều bột nếp và bột tẻ, từ từ đổ nước vào bột, trộn đều để bột và nước hoà quyện hoàn toàn. Để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 3 tiếng cho bột lắng, tách bột và nước thành 2 phần.
  • Đổ bớt nước và cho bột vào khăn xô, buộc túm lại và treo lên để róc hết nước. Sau khoảng 1 tiếng, bạn mở khăn kiểm tra, nếu bột mịn, không dính tay thì có thể bắt tay vào nặn bánh.
  • Chia bột thành những sợi dài, đường kính 1,5-2 cm, dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại.
  • Đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào. Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, hãy vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính. Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.
  • Dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước của bạn trở nên đẹp mắt hơn.

Cách làm bánh trôi Tết Hàn thực

Cách làm bánh chay Tết Hàn thực

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 200 gr bột nếp, 200 gr đậu xanh không vỏ, 100 gr bột năng hoặc bột sắn dây, 200 gr đường, ít tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối, vừng trắng rang chín.
  • Làm vỏ bánh: Cho bột nếp vào tô to, sau đó thêm từng ít nước ấm vào trộn đều. Khi thấy bột vừa đủ độ ẩm thì dừng lại, nhồi cho tới khi bột thành một khối mịn dẻo.
  • Làm nhân bánh: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 2 - 4 tiếng cho hạt đậu nở mềm, sau đó đổ ra rửa lại cho sạch. Cho đậu vào xửng và hấp tới khi chín mềm thì tắt bếp. Đổ đậu ra chảo và thêm đường, bật bếp xào cho nhân đậu tan đều với đường, dẻo mịn và khô ráo có thể vo viên được là tắt bếp. Cho thêm chút dầu hoa bưởi và đảo đều rồi để cho nhân đậu nguội bớt. Chia đều nhân đậu thành những viên đều nhau, sau đó vo viên lại cho tròn, bọc kín lại để nhân không bị khô.
  • Tạo hình bánh chay: Ngắt một miếng bột vừa phải rồi vo tròn. Sau đó ấn dẹt miếng bột, cho nhân vào giữa và vo lại cho kín, sau đó bạn lăn cho bánh tròn đều. Tiếp theo, bạn ấn dẹt chiếc bánh và tạo một hõm giữa sao cho giống chiếc bánh chay là được.
  • Nấu bánh: Đổ nước vào nồi đun sôi, sau đó thả bánh vào luộc. Khi thấy bánh chín nổi lên thì luộc thêm 1-2 phút nữa rồi tắt bếp, vớt bánh ra thả vào tô nước lạnh 3 phút cho nguội.
  • Nấu nước chè: Tận dụng nồi nước luộc bánh chay để nấu chè, thêm đường cho đủ ngọt, nấu cho sôi lên. Cho bột năng hoặc bột sắn dây vào bát và thêm nước khuấy đều cho tan, tiếp theo bạn chế từ từ vào nồi chè, vừa chế vừa khuấy để chè không bị vón cục. Khi thấy nồi chè có độ sánh đặc thì là tắt bếp, cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối cho thơm.
  • Thành phẩm: Vớt bánh chay bày ra bát, sau đó bạn múc phần chè vừa nấu vào cùng, rắc thêm vừng trắng rang chín lên trên là hoàn thành.

Bánh trôi tàu khác bánh trôi và bánh chay thế nào?

Bánh trôi tàu hay còn gọi là chè thang viên, có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam. Sau này, bánh trôi tàu dần được thay đổi để phù hợp với ẩm thực của từng vùng miền.

Bánh trôi tàu dẻo ngọt, thơm bùi đẫm nhân vừng đen.

Bánh được làm từ bột nếp, lớp nhân bên trong là đậu xanh hoặc vừng đen, hạt sen nấu với táo tàu khô và nhiều loại nhân hấp dẫn khác. Bên ngoài vỏ bánh được lăn thêm một lớp vừng đen lẫn sợi dừa nạo rắc lên trên. Khi ăn sẽ được ăn cùng với nước gừng nóng nên đây là món ăn lý tưởng cho khí hậu lạnh của mùa đông.

Không khó để phân biệt bánh trôi tàu với 2 loại bánh trôi và bánh chay vì hình dáng, nhân bánh và mùi vị của bánh trôi tàu hoàn toàn khác với 2 loại bánh trên. 

Món bánh trôi tàu với nước dùng ngọt lịm, phần bánh trôi dai dai mềm mềm kết hợp cùng nhân vừng đen thơm phức tạo nên một hương vị tuyệt vời mà bạn chắc chắn phải thử qua.

Người nào không nên ăn bánh trôi, bánh chay?

Mặc dù là món ăn truyền thống song vào ngày Tết Hàn thực, một số người thuộc các trường hợp dưới đây không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay:

- Người bị đái tháo đường: Do nhân bánh trôi chứa đường, chứa nhiều chất ngọt nên những người bị đái tháo đường không nên ăn món này để tránh chỉ số đường trong máu vượt ngưỡng quá cao.

- Người béo phì: Người thừa cân, béo phì cần hạn chế tinh bột. Bánh trôi lại làm hoàn toàn bằng bột gạo nên đây cũng là món ăn không dành cho người béo phì.

- Người bị tim mạch, dạ dày: Nếu ăn quá nhiều bánh trôi có thể làm tăng gánh nặng cho việc lưu thông máu khiến tim mệt. Bánh trôi còn thúc đẩy bài tiết acid dạ dày làm cho bệnh tình của bệnh nhân bị đau dạ dày thêm trầm trọng.

- Người có hệ tiêu hóa kém: Bánh trôi làm chủ yếu từ bột nếp, nếu ăn nhiều có thể gây nóng, đầy bụng, ợ hơi, không phù hợp với người có hệ tiêu hóa kém như người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Mai Linh (Tổng hợp)

Tin mới