Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm

(VTC News) -

Tôm là thực phẩm ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên để sơ chế tôm được dễ dàng hơn hãy bỏ túi ngay các cách lấy chỉ tôm cực đơn giản dưới đây.

Tôm rất giàu protein, ăn tôm mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe, lại có nhiều cách chế biến và tất cả đều hấp dẫn như nướng, hấp, chiên giòn, làm gỏi... Để có món tôm hoàn hảo, trong khi sơ chế bạn cần loại bỏ đường chỉ tôm - phần ruột chứa chất thải của nó, nằm trên lưng. 

Việc để lại đường chỉ tôm không chỉ khiến món tôm của bạn trở nên khó ăn vì nhám, sạn mà còn gây mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm

Khi loại bỏ đường chỉ tôm, hầu hết mọi người đều dùng tăm để lấy ra. Tuy nhiên, với tôm còn sống thì cách này không dễ thực hiện, chỉ tôm khó được lấy ra hoàn toàn mà thường một phần sẽ bị giắt lại.

Các cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm dưới đây có thể giúp bạn thao tác rất nhanh, sạch sẽ và gọn gàng; con tôm còn nguyên vẹn, không bị dập nát.

Dùng thìa là cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm, con tôm sẽ không bị nhũn, nát. (Ảnh: Tiki)

Dùng thìa là cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm, con tôm sẽ không bị nhũn, nát. (Ảnh: Tiki)

Cách thứ nhất là dùng thìa: Một tay cầm phần đầu con tôm và hướng phần lưng lên trên, sau đó bạn cầm ngược chiếc thìa, lấy cán thìa thọc sâu vào khe hở giữa vỏ đầu tôm và thân tôm, móc nhẹ phân tôm ra, sau đó nhẹ nhàng rút đường chỉ tôm. Vì phần chỉ tôm nối liền với bọc phân tôm nên bạn rút ra khá dễ dàng.

Chỉ cần khéo léo và bỏ ra chút thời gian, bạn có thể loại bỏ đường chỉ tôm dễ dàng.

Một cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm đơn giản và nhanh chóng khác là bóp nhẹ đầu tôm: Cầm úp con tôm xuống để dễ thấy chỉ tôm, một tay bạn nắm lấy đầu tôm, tay còn lại cầm phần thân sao cho 2 tay cách nhau khoảng 1 - 2cm.

Từ từ gập đầu tôm xuống, tay bóp nhẹ phần đầu theo hướng từ dưới lên rồi từ từ kéo đường chỉ tôm ra. (Ảnh: CPFoods)

 

Bạn từ từ gập đầu tôm xuống, đồng thời bóp nhẹ phần đầu theo hướng từ dưới lên để đẩy phân ra ngoài. Bạn chỉ cần dùng tay nắm lấy phân tôm và nhẹ nhàng kéo đến khi đường chỉ tách hoàn toàn ra khỏi thân tôm là xong.

Ưu điểm lớn nhất của cách này là thân tôm rất nguyên vẹn, hình thức món ăn hoàn toàn không bị ảnh hưởng; rất phù hợp với các món tôm luộc, tôm hấp (cần giữ nguyên thân tôm).

Ngoài ra, để loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm, bạn có thể áp dụng cách bóc vỏ hai bên đầu tôm.

Cách loại bỏ đường chỉ tôm không cần tăm: Bóc vỏ hai bên đầu tôm. (Ảnh: Medlatec)

Một tay bạn cầm phần thân và lật ngửa tôm lên, tay còn lại bóc vỏ hai bên đầu tôm nhưng lưu ý tránh làm phần đầu bị tách khỏi phần thân. Sau khi tách vỏ hai bên, bạn giữ chặt đầu tôm rồi từ từ kéo. Khi đó, đường chỉ tôm và phân ở đầu cũng sẽ được tách ra khỏi phần thân.

Một cách nữa bạn có thể áp dụng là dùng dao chẻ lưng tôm. Đầu tiên, bạn bóc bỏ đầu rồi từ từ lột vỏ tôm theo hướng từ phần chân ra. Sau khi lột đến phần đuôi, bạn dùng 2 ngón tay nắm lấy đuôi rồi dứt khoát tách khỏi phần thân. Cuối cùng, bạn đặt tôm đã lột vỏ lên thớt, dùng dao chẻ lưng tôm sao cho đường chỉ hiện ra rồi rút đường chỉ tôm.

Những người không nên ăn tôm

Tôm rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, dưới đây là những người không nên ăn tôm.

- Người đang có triệu chứng viêm: Tôm là nhóm thực phẩm có thể khiến cho chứng viêm trở nên nặng hơn. - 

- Người bị cường giáp, có vấn đề về tuyến giáp: Nên ăn ít hải sản vì hải sản có nhiều iốt, có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.

- Người bị đau mắt đỏ: Việc ăn tôm có thể làm tình trạng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn do tăng phản ứng viêm. 

- Người đang bị hen suyễn: Tôm có thể gây kích ứng vùng họng, co thắt cơ khí quản. Vì thế, những người bị hen suyễn tốt nhất không nên ăn tôm để tránh bị lên cơn hen.

- Người bị dị ứng hải sản: Những người bị dị ứng hải sản có thể dị ứng với tôm, nổi mẩn đỏ hoặc các nốt sưng sau khi ăn, đặc biệt là các loại tôm nhỏ. Nếu từng bị hiện tượng này, bạn nên chú ý khi ăn tôm, hoặc không nên ăn.

- Người mắc bệnh gút, tăng acid uric máu và viêm khớp: Không nên ăn hải sản nhiều vì nếu dung nạp lượng purine quá mức, các tinh thể acid uric sẽ dễ lắng đọng trong khớp khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Tin mới