Theo các chuyên gia, ngoài những đồ uống có cồn như rượu bia thì một số món ăn, thực phẩm, thậm chí là thuốc có thể sẽ khiến kết quả thử nồng độ cồn dương tính. Vậy, cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở khi ăn thực phẩm lên men như thế nào?
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết những loại quả chín quá mức hoặc có hàm lượng tinh bột cao sau một khoảng thời gian, lượng đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu. Quy trình để hoa quả trở thành sản phẩm chứa cồn là: tinh bột - đường - enzym lên men - rượu - axit.
Theo đó nhiều loại trái cây như nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, hồng xiêm… thậm chí một số loại siro ho, khi lên men, chúng ta ăn vào cũng có hiện tượng chứa cồn.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, với những quả đã lên men, rất dễ nhận ra thông qua vị giác. Những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua. Vì thế những người nào ăn quả chín quá mức lên men biến thành rượu thì người đó đã tiêu thụ sản phẩm có cồn. Dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo có nồng độ cồn trong khoang miệng.
Một số loại hoa quả khi ăn có thể gây ra hơi thở có mùi cồn
Ngoài ra, một số món ăn nấu dạng sốt vang: Một số món ăn nấu với rượu vang, rượu mai quế lộ vô tình có thể còn cồn.
Trả lời báo Dân trí, TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, các tài xế sau khi sử dụng các thực phẩm có chứa lượng cồn nhỏ như kể trên nên súc miệng kỹ và chờ khoảng 30 phút trước khi lái xe, để đảm bảo chắc chắn trong hơi thở không có cồn.
Đối với nước súc miệng chứa cồn, theo TS Minh chỉ cần sử dụng nước lọc súc miệng lại sẽ không còn cồn trong hơi thở.
Với trường hợp sử dụng bia rượu, trung bình cơ thể sẽ mất khoảng 12-24 tiếng để hoàn toàn chuyển hóa và đào thải cồn khỏi cơ thể. Như vậy hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng sau một đêm nhậu "tới bến", khi ngủ dậy và đã tỉnh rượu nhưng bạn sẽ vẫn phát hiện ra cồn trong hơi thở.
Với trường hợp sau khi uống một cốc bia (khoảng 350ml) khoảng 15 phút là kết quả đọc nồng độ cồn đã có thể phát hiện ra cồn trong hơi thở.
"Một cốc bia có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC) lên 0,02% và bạn cần không uống thêm trong tối thiểu một tiếng để mức cồn trong hơi thở về gần số 0. Tuy nhiên, để hoàn toàn loại bỏ cồn khỏi cơ thể bạn sẽ cần 12-24 tiếng", TS Minh phân tích.