Tại cuộc họp báo công bố Dự thảo chương trình môn học mới từ cấp tiểu học đến THPT, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
Hệ thống các môn học của chương trình GDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
Trước câu hỏi của PV về cách thức giảm tải các môn học trong Chương trình GDPT mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học quá tải từ chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy.
Theo GS Thuyết, đầu tiên để giảm tải các môn học cần giảm bớt những kiến thức khó, những bài học đánh đố học sinh.Tuy nhiên, giảm tải không có nghĩa là bớt kiến thức một cách cơ học mà quan trọng là tổ chức lại nội dung.
Cách giảm tải còn tùy thuộc vào phương pháp giáo dục của người thầy. Thay vì dạy nhồi nhét kiến thức, chủ yếu là đọc chép, chương trình mới yêu cầu giáo viên phải cho học thực hành, học bằng trải nhiệm thực tế nhiều hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ví dụ ở môn Toán, chương trình mới sẽ bỏ bớt những kiến thức khó và chưa thiết thực như kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử, số phức…
Ở môn Lịch sử, cấp tiểu học dạy dưới dạng các câu chuyện lịch sử (ký ức lịch sử). Cấp THCS dạy thông sử theo tiến trình thời gian. Cấp THPT dạy theo chủ đề.
"Phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng cần có sự thay đổi. Ví dụ trước kia, giáo viên nói từng chữ theo sách giáo khoa, nay để cho học sinh tư duy và vận động", GS Thuyết nói.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày.
Trước câu hỏi vì sao chủ trương giảm tải nhưng học sinh lại phải học cả ngày, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đây là cách thức để giảm tải chương trình. Hiện tại, 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
GS Thuyết lý giải cùng một khối lượng nội dung học tập, khi tăng thời gian thực hiện thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn.