Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cách dùng nhân sâm giúp tăng công hiệu vượt trội, đỡ phí hoài dược liệu quý

(VTC News) -

Nhân sâm là dược liệu quý có tác dụng bồi bổ cơ thể, dùng độc vị (một mình) rất tốt nhưng biết phối hợp sẽ trở lên toàn năng hơn nhiều.

Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, nhân sâm nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Đây còn là dược liệu quý hiếm khó trồng. Trong y học cổ truyền nhân sâm được xếp vào nhóm 1 trong 4 loại thuốc quý (Sâm – Nhung - Quế - Phụ) từ ngàn năm trước.

Trong y học cổ truyền nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn. Qui vào Tỳ, Phế và 12 kinh lạc. Nhân sâm dùng độc vị cũng rất tốt cho sức khoẻ, liều dùng 2- 8g/ngày. Tuy nhiên, để phát huy công dụng toàn năng của dược liệu này nên kết hợp với các vị thuốc theo nguyên tắc “Quân, Thần, Tá, Sứ”. Điển hình là bài thuốc “Tứ quân tử thang” (Sâm, Truật, Linh, Thảo), “Bổ trung ích khí thang” (Sâm, Kỳ, Truật, Bì, Thảo, Khương, Táo, Qui, Thăng, Sài)…

Cách dùng nhân sâm giúp tăng công hiệu vượt trội, đỡ phí hoài dược liệu quý.

Sâm phụ thang

Kết hợp nhân sâm với phụ tử, trong đó nhân sâm đại bổ nguyên khí, kết hợp với phụ tử có tính đại tân, đại nhiệt sẽ làm tăng tác dụng ôn bổ nguyên dương. Hai vị thuốc này cùng dùng gọi là "Sâm phụ thang" có tác dụng đại ôn đại bổ, ích khí hồi dương cố thoát. Lâm sàng dùng cấp cứu trong trường hợp nguyên khí bạo thoát, âm dương khí huyết bạo thoát (biểu hiện: Huyết áp tụt, mồ hôi ra như tắm, sắc mặt trắng nhợt, chân tay lạnh...).

Ôn bổ khí

Dùng nhân sâm kết hợp hoàng kỳ. Theo lương y Bùi Đắc Sáng, nhân sâm và hoàng kỳ đều là những thuốc bổ khí quan trọng. Nhân sâm là thuốc đại bổ nguyên khí, sinh tân dịch, an thần, thiên về tư bổ cường kiện. Hoàng kỳ thăng dương cử hãm, cố biểu chỉ hãn, thiên về ôn bổ, cố hộ.

Hai vị dùng cùng làm tăng chức năng ôn bổ khí. Người bệnh cơ thể gầy yếu suy nhược có triệu chứng ho, suyễn thiếu khí, thở ngắn, tự hãn (đổ mồ hôi) người mệt mỏi, ăn kém, khó tiêu, kèm theo các triệu chứng tỳ hư hạ hãm như sa trực tràng, sa dạ dày, sa tử cung, trĩ, di niệu, di tinh, bằng lậu hay các triệu chứng của thận hư, liệt dương, mất ngủ, ngủ kém do tâm huyết hư... đều có thể dùng nhân sâm phối hợp hoàng kỳ để tự bổ.

Nhân sâm phối hợp bạch truật

Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay, bạch truật vị đắng ngọt, tác dụng táo thấp kiện tỳ, vừa có tác dụng hoãn tỳ sinh tân dịch, vừa kiện tỳ tiêu cốc. Đây là thuốc quan trọng nhất trong kiện tỳ, bổ phế khí.

Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn gốc sinh hóa của khí huyết. Tỳ vị không yên, chức năng thu nạp và vận chuyển bị rối loạn thì nguồn khí huyết bị thiếu hụt sinh ra chứng tỳ vị hư nhược như ăn kém, ăn không tiêu, bụng trướng tức, sắc mặt vàng, tứ chi vô lực... 

Dùng nhân sâm phối hợp bạch truật sẽ hỗ trợ, bổ sung tác dụng cho nhau làm tăng hiệu quả điều trị.

Nhân sâm phối hợp tam thất

Nhân sâm đại bổ nguyên khí, bổ khí, ích tỳ, sinh tân chỉ khát. Tam thất chỉ huyết khứ ứ, tiêu thũng chỉ thống. Hai vị dùng cùng có tác dụng ích khí giảm đau, chỉ huyết hóa ứ. Lâm sàng ứng dụng trong điều trị các chứng do khí hư huyết ứ gây đau có hiệu quả nhất định.

Lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý nhân sâm dù tốt nhưng người có chứng nội nhiệt, âm hư hỏa động, thương hàn mới phát, tà nhiệt đương bốc không nên dùng. Phụ nữ mới sinh đẻ huyết xông lên hoặc mới thổ huyết cũng không nên dùng.

Phạm Loan

Tin mới