Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cách cúng ông Công ông Táo ở 3 miền khác nhau thế nào?

(VTC News) -

Các gia đình Việt đều cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên cách thực hiện khác nhau ở 3 miền do đặc điểm riêng về văn hóa, khí hậu...

Hằng năm vào dịp 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam đều thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo để tiễn các vị thần bếp lên Thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng các sự vụ tốt xấu trong năm. Vậy lễ cúng Táo quân ở các miền Bắc, Trung, Nam có gì khác biệt?

Miền Bắc: Cúng cá chép 

Lễ cúng ông Công ông Táo của người Bắc không thể thiếu cá chép, vật cưỡi của Táo quân khi lên chầu trời.Tùy quan điểm của từng gia đình mà lễ vật là cá chép sống hay cá chép giấy. Đối với cá sống, những năm gần đây hầu hết mọi người mua loại cá chép đỏ bé xinh được nuôi chuyên dùng cho việc phóng sinh và thả trong ngày 23 tháng Chạp.

Người miền bắc thường cúng ông Công ông Táo khá sớm, thường từ ngày 20 đã rất nhiều nhà làm lễ, và 12 giờ trưa 23 tháng Chạp là cái mốc sau cùng. Mọi người quan niệm rằng cần cúng sớm để các Táo thần nhận lễ vật để lên chầu trời đúng hẹn. Nếu chiều hoặc tối ngày 23 mới cúng thì e rằng khi ông Táo lên đến thiên đình thì Ngọc đế đã bãi triều mất rồi. Mặt khác, nếu cúng muộn, ông Táo không chờ được để nhận lễ vì đã lên chầu từ trước.

Cúng ông Công ông Táo, người miền Bắc cúng cá chép.

Số cá chép được dâng cúng cũng khác nhau tùy từng gia đình, phổ biến nhất là 3 con cho 3 vị. Tuy nhiên, có những gia đình chỉ cúng 1 con tượng trưng, có nhà cúng 2 con cho có đôi có cặp. Sau lễ cúng, cá chép được đưa thả ở ao hồ, vừa để Táo quân có phương tiện chầu trời, vừa có ý nghĩa phóng sinh, tích đức hành thiện.

Miền Trung: Cúng ngựa giấy

Thay vì cá chép, người dân nhiều nơi ở miền Trung cúng ngựa giấy như đối với những vị thần khác. Thường họ dâng một con ngựa giấy có yên cương đầy đủ, không cúng áo mũ cho các Táo như người miền Bắc.

Với người Huế và một số tỉnh lân cận, ông Táo có vị trí cực kỳ quan trọng, được thờ trên trang ông và có bàn thờ nhỏ ở bếp. Gia chủ luôn dâng hoa quả, nhang đèn, cúng lễ đầy đủ vào các ngày 10, mùng 1, 14 và rằm. Họ cũng thể hiện sự tôn kính đối với Táo quân bằng cách luôn giữ cho bếp núc sạch sẽ, gọn gàng và yên tĩnh.

Trong lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, vốn được làm rất long trọng, người Huế thường đốt vàng mã và dâng nhiều lễ vật. Họ tiễn ông Táo cũ khỏi bàn thờ bếp và đặt bên cạnh các am miếu hoặc gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường, sau đó rước ông Táo mới về nhà. Tượng ba ông Táo mới được đặt lên bàn thờ để hương khói.

Ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo Ngọc Hoàng.

Miền Nam: Cúng vào buổi tối

Khác với tinh thần cúng sớm của người Bắc, người miền Nam chỉ thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo vào ban đêm, sau bữa ăn tối của gia đình. Họ quan niệm đó là lúc công việc bếp núc đã hoàn tất, gia chủ không còn làm phiền các Táo nữa nên mới có thể tiến các Táo lên chầu trời.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cũng khá đơn giản, gồm có bình hoa tươi, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ vàng mã hình con cò và con ngựa dùng để hóa sau khi cúng với mong muốn tiễn Táo về chầu trời nhanh hơn.

Minh Minh

Tin mới