Một trong những món ăn mang đậm hương vị ngày Tết là bánh chưng, bánh tét. Bạn có biết loại bánh này để được bao lâu?
Thông thường, nếu bạn đặt bánh ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp thì sẽ để được 2 - 3 ngày. Đặc biệt, bạn nên treo bánh chưng, bánh tét lên để giúp cho nhiệt độ khô thoáng hơn nhé.
Còn nếu bạn lo lắng để ngoài dễ bị côn trùng ăn thì có thể cho vào tủ lạnh, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 10 - 15 ngày. Khi ăn, bạn chỉ cần lấy ra hấp chín cho bánh dẻo mềm như mới.
Bạn nên tham khảo cách bảo quản bánh chưng, bánh tét sau Tết.
Bảo quản bánh chưng sau Tết
Bảo quản bánh trong tủ lạnh: Nhiều gia đình không có thói quen bảo quản bánh trong tủ lạnh vì sợ bánh nhanh cứng, bị sượng (hay còn gọi là lại gạo). Tuy nhiên do thời tiết ở nước ta nóng ẩm, dịp Tết thường có nắng nên bánh rất nhanh thiu, mốc. Tất cả thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ aflatoxin từ thực phẩm. Do đó, bánh chưng nên bảo quản trong ngăn mát ở nhiệt độ 5-10 độ C.
Khi sắp xếp bánh chưng vào tủ hết sức lưu ý không làm bánh rách lá vì có thể khiến mốc ăn sâu vào bánh, lên men chua cục bộ. Trong quá trình bảo quản bánh, cần thường xuyên kiểm tra. Nếu thấy có hiện tượng bánh bị mốc (mảng nấm mốc màu trắng, xanh) cần xử lý ngay bằng cách hơ bánh trên lửa của bếp gas hoặc luộc lại. Bánh để trong tủ lạnh có thể dùng đến đâu bóc vỏ và cắt bánh đến đó. Phần còn lại chưa dùng đến bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, tránh để trần bánh sẽ nhanh cứng và có mùi thức ăn trong tủ ám vào mất ngon.
Sử dụng lò vi sóng hoặc hấp lại trước khi ăn thay vì rán bánh: Nhiều gia đình thường xử lý bánh bị cứng hay mốc bằng cách rán lại với dầu mỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên: mỗi lần ăn, gia đình nên làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu hoặc mỡ) vào khẩu phần ăn trong dịp Tết - không có lợi cho sức khoẻ nhất là đối với người bị bệnh béo phì hoặc bị bệnh tim mạch.