1. Không đọc mã bảo mật ngân hàng cho bất kì ai
Mã bảo mật ngân hàng gồm: mã đăng nhập ứng dụng ngân hàng, mã OTP khi thực hiện các giao dịch, mật mã thẻ ATM, mã CCV/CVV nằm phía sau thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Đây đều là các thông tin rất quan trọng cần được bảo vệ ở mức cao nhất. Bạn tuyệt đối không chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả người thân.
Không được tiết lộ mã OTP để tránh bị lừa tài khoản ngân hàng.
2. Giữ bí mật tuyệt đối thông tin cá nhân
Người dùng phải tuyệt đối giữ bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng như: số thẻ, số tài khoản và tên truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử…và cả các thông tin cá nhân như: họ và tên, địa chỉ, ngày sinh, số CMND.
Các thông tin này thường được khai thác qua nhiều hình thức như: được trúng thưởng, tặng quà hay dò hỏi người thân…Vì vậy, không được cung cấp thông tin hoặc phải kiểm tra với ngân hàng (qua tổng đài hỗ trợ) trước khi cung cấp thông tin.
3. Khóa thẻ thanh toán online khi không dùng
Hiện nay tất cả ứng dụng Mobile Banking hay Internet banking đều hỗ trợ khóa thẻ trực tuyến. Nếu bạn không giao dịch thì nên khóa thẻ của mình lại, kẻ trộm sẽ không làm ảnh hưởng tới tài khoản ngân hàng của bạn.
4. Thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng online
Bạn nên thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng của mình và chọn những mật khẩu khó, có nhiều ký tự đặc biệt để bảo vệ được tài khoản khỏi những hacker.
Chọn mật khẩu mạnh và độc đáo là cách bảo vệ tài khoản ngân hàng đơn giản nhưng hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý tạo mật khẩu mạnh bảo vệ các tài khoản online:
- Chọn mật khẩu dài hơn như cụm từ thay vì một từ đơn giản.
- Dùng kết hợp cả chữ in hoa và thường.
- Bao gồm số và các ký tự đặc biệt.
- Tránh các chuỗi ký tự phổ biến như 1234.
- Tránh dùng thông tin cá nhân.
- Đừng lưu thông tin đăng nhập trên web ngân hàng online hoặc app mobile.
- Nhớ cập nhật mật khẩu thường xuyên, tốt nhất nên thay đổi chúng 1 lần trong khoảng từ 3 tới 6 tháng.
5. Bảo mật điện thoại di động
Với điện thoại thì nên sử dụng hết tất cả các phương thức bảo mật hiện có để tăng cường bảo mật cho thiết bị. Đảm bảo bạn có thể khóa điện thoại bằng pin, nhận diện khuôn mặt, vẽ hình hoặc dấu vân tay. Nếu điện thoại bị trộm, kẻ xấu khó lòng thâm nhập nó hơn. Không để hiển thị thông báo mã OTP trên màn hình khóa vì có thể tạo sơ hở cho kẻ gian nhìn thấy.
Cần tăng cường bảo mật cho điện thoại di động.
Bạn cũng nên thường xuyên cập nhật máy tính và thiết bị mobile để tránh các lỗ hổng an ninh, malware mới nhất.
6. Sử dụng các hình thức xác thực bằng OTP
Để giao dịch online trên website ngân hàng, thường thì bạn sẽ cần đến một mật khẩu OTP (One Time Password). Khi đăng nhập tài khoản, bạn sẽ nhận được một tin nhắn chứa mật mã. Khi phát hiện bản thân không thực hiện truy vấn này, bạn có thể chặn ngay lập tức.
Chính vì sự hữu ích của OTP, nhiều khách hàng đã tìm đến sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của những ngân hàng có hỗ trợ OTP hoặc các giải pháp tương tự. Giải pháp càng xây dựng phức tạp sẽ có độ an toàn càng tăng cao.
7. Không mở email đáng ngờ
Một số kẻ xấu thường gửi email lừa đảo, giả danh ngân hàng bạn đang đăng ký sử dụng dịch vụ. Họ làm điều này với mục đích dụ bạn nhập thông tin đăng nhập trên trang ngân hàng giả. Đừng bao giờ click vào các liên kết trong email dẫn tới web của ngân hàng, ngay cả khi nhìn chúng có vẻ hợp pháp. Chuyện làm ra một website giả mạo có giao diện giống hệt như website của ngân hàng, hay việc giả tên miền cho hơi giống giống không quá phức tạp. Ví dụ www.techcombank.com.vn là link đúng, chính chủ, còn kẻ tấn công sẽ dùng tên miền www.techcobank.com.vn để lừa đảo.
Thực tế đã có rất nhiều hacker làm như vậy với mong muốn đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng. Khi bạn đã vào website giả mạo, khi vô tình nhập username/password vào đó sẽ mất thông tin đăng nhập ngay.
Ngoài email, tin tặc đôi khi cũng sẽ gửi tin lừa đảo thông qua SMS, Facebook Messeger và các phương tiện thông tin mới khác.
Để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình, bạn nên gõ địa chỉ web vào thanh URL của bạn hoặc dùng công cụ tìm kiếm để tìm trang web chính xác. Bạn có thể đánh dấu (bookmark) trang web hợp pháp đó để sử dụng lại sau này.
8. Đăng kí SMS Banking để cập nhật tài khoản
Khi ngân hàng cung cấp tùy chọn nhận tin nhắn cảnh báo liên quan tới tài khoản, bạn nên đăng kí. SMS Banking sẽ nhắn tin cho bạn biết mỗi khi tài khoản của bạn có thay đổi gì đó, có thể là về số tiền, về thông tin chủ thẻ hay một giao dịch nào đó sắp diễn ra. Nếu không phải là bạn đang thực hiện các giao dịch đó, thì hãy liên lạc ngay với tổng đài ngân hàng.
9. Không vào tài khoản ngân hàng khi dùng mạng wifi công cộng
Wifi công cộng tiềm ẩn vô số bất lợi. Không chỉ chậm mà thỉnh thoảng còn cung cấp kết nối không an toàn. Khi hacker thâm nhập vào WiFi công cộng, họ có thể thấy mọi thứ, bao gồm cả thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng. Tốt nhất, bạn không nên truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình khi đang ở nơi công cộng.
Nếu thực sự muốn tài khoản ngân hàng an toàn, hãy chỉ truy cập nó từ WiFi gia đình và mạng di động của bản thân.
10. Thường xuyên kiểm tra bảng kê khai tài khoản
Ngân hàng có thể giám sát hoạt động gian lận trên thẻ để thông báo tới người dùng. Bằng việc xem xét kỹ lưỡng bảng kê khai, bạn có thể kịp thời phát hiện mọi giao dịch bất thường. Khi đó, hãy liên lạc với ngân hàng ngay khi có thể.