Mỗi mùa tuyển sinh, các trường đại học đều tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành học mới. Như Đại học Kiến trúc TP.HCM tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp THPT theo 4 phương thức với tổng số 1.555 chỉ tiêu tại 3 cơ sở (tăng hơn 300 chỉ tiêu so với 2020).
Học viện Ngoại giao dự kiến tuyển 1.350 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo, tăng gần gấp 3 lần so năm 2020.
Đại học Giao thông Vận tải dự kiến mở thêm 2 ngành học mới Tài chính ngân hàng và Quản trị kinh doanh Việt - Anh. Nguyên nhân, trường căn cứ vào số thí sinh đăng ký học năm trước và qua phân tích đánh giá thị trường lao động lĩnh vực ngân hàng cần trong tương lai.
Ngành Tài chính ngân hàng đang có xu hướng hội nhập cũng như quản lý chung. Các ngành quản lý về tài chính và lĩnh vực ngân hàng cũng đang có nhu cầu lực lượng lao động cơ bản và xã hội đang cần.
Bên cạnh việc mở thêm ngành học mới, khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mở bổ sung chuyên ngành theo hướng chuyên sâu như cử nhân Ngôn ngữ Anh, Kinh doanh và công nghệ thông tin, với khoảng 80 chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Trung Hiển, khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Mức chỉ tiêu này còn phải đợi Đại học quốc gia Hà Nội phê duyệt, chúng tôi đang đề xuất".
Lý do mở ngành, theo ông, qua làm việc với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hay xuất khẩu phần mềm, đơn vị nhận thấy sự khan hiếm và khó khăn về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, hiểu biết về công nghệ thông tin mà lại có nền tảng tiếng Anh tốt. Khoa quyết định xây dựng chương trình để đáp ứng được nhu cầu về nhân sự như vậy.
Mở ngành học mới để hút thí sinh, đáp ứng nhân lực cho xã hội phát triển; tăng chỉ tiêu nhằm tạo cơ hội cho các em rộng cửa vào đại học..., là lời giải thích được hầu hết các trường đại học đưa ra khi tuyển sinh.
Tuy nhiên, các trường đều chưa có lời cam kết nào về chất lượng đào tạo và việc làm đầu ra cho sinh viên. Thậm chí ngay cả Bộ GD&ĐT cũng khó quản lý hết được chất lượng các chương trình đào tạo mới mở và các trường tăng chỉ tiêu đều như vắt chanh mỗi năm.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ với báo chí, thời gian qua nhiều trường lợi dụng kẽ hở để “lách” tăng chỉ tiêu, mở ngành học mới. Ví dụ, với đội ngũ giảng viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu trình độ phải đạt từ thạc sĩ trở lên, vì vậy, chỉ cần thạc sĩ là các trường sẽ ký hợp đồng giảng dạy.
Thực tế một số trường tư thục sử dụng nguồn giảng viên thỉnh giảng nhưng ký hợp đồng dài hạn. Những người này không làm việc toàn thời gian tại trường, không trực thuộc khoa, không làm giáo viên chủ nhiệm... như một giảng viên cơ hữu nhưng được trường đóng bảo hiểm đầy đủ như giảng viên chính thức. Những người này được tính vào tỉ lệ giảng viên/sinh viên khi nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Do vậy, giảng viên cơ hữu phải "gánh" số lượng sinh viên tuyển được từ giảng viên thỉnh giảng quy đổi ra. Người học đông nhưng quá trình đào tạo đào thải cũng nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận. Tuy nhiên, để tồn tại được không ít trường coi bài toán kinh phí là mấu chốt quan trọng để tuyển sinh chứ không phải chất lượng đào tạo.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 tạo cơ chế mở rộng quyền tự chủ cho các trường như: tự chủ trong việc mở ngành, sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với điều kiện của trường… Các trường tự chịu trách nhiệm về việc mở ngành và tăng chỉ tiêu hàng năm. Dù hình thức nào, tự chủ đến đâu, các trường cần lưu ý phải đảm bảo chất lượng trong công tác tuyển sinh.
Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra đánh giá chất lượng. Theo quy định, các trường đại học công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và khai báo dữ liệu đề án tuyển sinh vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước ngày 31/3 để thí sinh có thêm thông tin và xã hội thực hiện việc giám sát.