Công nghệ thông tin hay còn gọi là IT (Information Technology) - ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, xử lý, truyền và thu thập thông tin.
Theo học ngành này, sinh viên được trau dồi những kiến thức chuyên ngành liên quan đến việc lập trình, công nghệ phần mềm, gia công, sửa chữa, thiết kế, vận hành bảo trì sửa chữa máy tính.
Để xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin, sĩ tử có thể tham khảo lựa chọn các khối thi như: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh); D90 (Toán, Anh, Khoa học tự nhiên).
Lựa chọn các trường đại học đào tạo ngành Công nghệ thông tin tốt nhất Việt Nam giúp thí sinh có cơ hội nghề nghiệp tương lai rộng mở. (Ảnh minh họa)
Sau đây là top 5 trường đại học có tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ thông tin, bạn tham khảo và cân nhắc lựa chọn.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Website Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn thông tin theo tờ Times Higher Education, lĩnh vực Công nghệ thông tin của trường này ở vị trí 601+ về lĩnh vực Khoa học máy tính trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới 2020 theo lĩnh vực (THE WUR by Subject 2020).
Đại Học Bách khoa Hà Nội có 2 mã tuyển sinh dành cho ngành này là: Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2). Năm nay, IT1 có điểm chuẩn đầu vào cao nhất 29,42, còn IT2 lấy 28,29.
Ngành Khoa học máy tính đào tạo các nội dung liên quan đến máy tính, như toán rời rạc, giải thuật, cấu trúc dữ liệu, kỹ thuật lập trình, cơ sở dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Học ngành này, sinh viên sẽ có khả năng làm chủ mọi khâu để phát triển một phần mềm, chương trình và một hệ thống thông tin xử lý các vấn đề trong thực tiễn.
Ngành Kỹ thuật máy tính giúp người học có kiến thức chuyên môn về cả phần cứng và phần mềm máy tính. Ngành này hướng tới việc phát triển các hệ thống tính toán tích hợp tối ưu giữa phần cứng và phần mềm. Nghĩa là, học về ngành này, sinh viên sẽ nắm được cả về cách viết phần mềm, làm phần cứng, và làm thế nào để tích hợp phần mềm và phần cứng này thành một hệ thống tối ưu để giải quyết một vấn đề thực tiễn.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Ngành Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông gồm có 4 chuyên ngành: Máy tính và truyền thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin.
Theo bài viết đăng tải trên website của trường, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đảm nhận tốt các vị trí là cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hoặc trở thành lập trình viên, nhà quản trị hệ thống, quản trị bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong bất kỳ doanh nghiệp nào.
Sinh viên có thể làm việc trong các dự án với vai trò là người quản trị dự án về công nghệ thông tin; hoặc đảm nhận vị trí cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về công nghệ thông tin tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.
Năm nay điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin của trường này là 26,59.
Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)
Ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng gồm 6 chuyên ngành chính là: An toàn thông tin, Công nghệ phần mềm, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Hệ thống thông tin, Mạng và truyền thông, Hệ thống nhúng.
Năm 2023, ngành Công nghệ thông tin trường này lấy từ 25 - 26,45 điểm.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) gồm 6 bộ môn Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ tri thức, Thị giác máy tính và điều khiển học Thông minh, Mạng máy tính và viễn thông. Năm nay, điểm chuẩn của nhóm ngành Công nghệ thông tin dao động từ 26,70 - 28,20 điểm.
Cụ thể, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 28,2. Các ngành lấy điểm chuẩn trên 27 gồm Máy tính và công nghệ thông tin 27,2, Công nghệ thông tin (chất lượng cao) 27,2, còn Khoa học dữ liệu 26,7 điểm.
Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)
Nếu muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bạn có thể lựa chọn theo học 2 chuyên ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Thời gian đào tạo của nhóm ngành này từ 4 - 5 năm, gồm 8-10 học kỳ chính khóa.
Thông tin đăng tải trên website của trường cho biết, 2 - 2,5 năm đầu, sinh viên học tại trường Đại học Bách khoa, 2 - 2,5 năm cuối chuyển tiếp sang học tại đại học đối tác nước ngoài.
Năm nay, ngành lấy điểm cao nhất Đại học Bách khoa TP.HCM là Khoa học máy tính với 79,84 (tính theo công thức xét tuyển riêng của trường).
Như vậy, trên đây là tổng hợp một số trường đại học đào tạo ngành Công nghệ thông tin để thí sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.