Tại hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99), đại diện nhiều trường đại học băn khoăn về một số nội dung liên quan quyền hạn của hội đồng trường và hiệu trưởng?.
Ví dụ như nhiệm kỳ của hội đồng trường tính như thế nào? Có tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng không? Những hội đồng trường được thành lập trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực sẽ được giải quyết ra sao?...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
Giải đáp thắc mắc, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường.
Theo đó, nhiệm kỳ của Hội đồng trường được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường.
Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao lâu. Việc quyết định thời hạn sẽ được giao cho Hội đồng trường quyết theo thời hạn nhiệm kỳ của Hội đồng trường.
Như trước đây, cơ quan chủ quản sẽ bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, nhưng theo Nghị định 99 thì cơ quan chủ quan chỉ được công nhận vị trị này. Việc bổ nhiệm, chỉ định vị trí là quyền của Hội đồng trường.
Còn việc tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, cũng sẽ do Hội đồng trường quyết định là khi nào thì hội nghị đại biểu, khi nào thì hội nghị toàn thể. Nhưng mắc thắc này được quy định này đã nêu rất là rõ trong Luật.
Đặc biệt, Vụ trưởng lưu ý các trường đại học, Nghị định 99 quy định tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập hội đồng trường phải xong.
Hội nghị triển khai và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hồn cốt của Luật số 34 và Nghị định 99 đã trả lại thực quyền cho hội đồng trường. Hội đồng trường là đơn vị đại diện cho cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện trong nhà trường.
Luật số 34 nhấn mạnh đến thiết chế, nên muốn thực quyền thì tất cả các bên liên quan phải nâng cao nhận thức. Không phải chỉ Bộ GD&ĐT thực hiện mà chính các bộ chủ quản, cơ quan chủ quản phải thay đổi nhận thức. Không can thiệp hành chính thì hội đồng trường phải thực quyền.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, người có quyền quyết cao nhất trong các trường công lập là Chủ tịch Hội đồng trường
Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Các nhà trường cũng phải nhận thức khác. Chủ tịch hội đồng trường là vị trí để thông qua các quyết sách lớn chứ không phải là nơi tăng thêm quyền cho hiệu trưởng. Đây là cuộc cách mạng trong nhận thức, cần phải quyết tâm để thực hiện thiết chế này”.
Đồng thời, Nghị quyết 19 cũng quy định rõ Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch hội đồng trường. Như vậy, có thể hiểu người có quyền cao nhất trong các trường công lập chính là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường, Bộ trưởng cho biết thêm.