Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thành công chứ không được thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam.
Từ thực tế nhiều trường hợp ở Việt Nam và thế giới lây bệnh khi dự các lễ hội tôn giáo cho thấy tính cấp bách và đúng đắn trong chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ, việc tụ tập đông người lúc này chẳng khác nào tự sát.
Trước bối cảnh này, các tôn giáo ở Việt Nam cũng tạm dừng các đại lễ tập trung đông người và thực hiện hành lễ trực tuyến để chống Covid-19.
Tạm dừng các đại lễ
Lễ Phật đản là đại lễ của Phật giáo và hàng năm được các tín đồ của tôn giáo này tổ chức trang nghiêm và long trọng.
Tuy nhiên, năm nay trước sự hoành hành của Covid-19 thì mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạm dừng Lễ hội Phật đản đến khi dịch bệnh này được ngăn chặn và đẩy lùi.
Lễ Phật đản 2020 cùng nhiều lễ hội tôn giáo khác sẽ được tạm dừng để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ban Tôn Giáo Chính phủ cho biết, ngoài việc tạm dừng và lùi thời gian tổ chức Lễ Phật đản của Phật giáo thì Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer và các Đại hội nhiệm kỳ 2020 -2025 của các Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.... cũng sẽ bị tạm dừng.
"Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản yều cầu Giáo hội tạm dừng và lùi thời gian các Đại hội vào thời gian thích hợp cho đến khi dịch bệnh Covid-19 được ngăn chặn, đầy lùi...", Ban Tôn giáo Chính phủ nêu.
Đối với Lễ Phục sinh của Đạo Công giáo, Tin lành (12/4), Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản hướng dẫn Hội đồng Giám mục Việt Nam và các Hội thánh Tin lành có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình thực tiễn, không tập trung tổ chức cầu nguyện; chính quyền các cấp không tổ chức thăm hỏi chúc mừng Lễ Phục sinh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, lãnh đạo Giáo hội của 43 tổ chức tôn giáo thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống dịch như yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc giảm các cuộc lễ cầu nguyện tập trung đông người, không mời, đón giáo sỹ tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là ở các quốc gia có dịch (Italy, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepan, Trung Quốc vào Việt Nam; tạm dừng các lễ hội khóa tu...
Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, bên cạnh những hoạt động tích cực, thì vẫn có các hoạt động của một số tôn giáo có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong tín đồ và cộng đồng.
Ví dụ như có 4 vị chức sắc Phật giáo tiếp xúc gần với người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 21 trong quá trình tổ chức “Lễ hội Hương Sen xứ Nghệ” năm 2020; hay trường hợp của ông Bạch Thanh Thoải (42 tuổi, Ủy viên Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Ninh Thuận) nhiễm Covid-19 tham dự sự kiện Hồi giáo ở Malaysia.
Giáo dân lễ nhà thờ trực tuyến
Trong mùa dịch Covid-19, cùng với chính quyền và các đội ngũ Y tế, các giáo dân theo Đạo Công Giáo (Thiên Chúa giáo) tại Việt Nam cũng đồng tâm, hiệp ý cầu nguyên và chia sẻ những biện pháp phòng dịch để có thể đóng góp công sức và lời cầu nguyện cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các Thánh lễ được cử hành online trên Giáo Hội Công Giáo toàn cầu; các nhà thờ/giáo xứ trong Tổng Giáo phận Hà Nội áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp như: giữ khoảng cách, rước lễ bằng tay, không bắt tay chúc bình an, rửa tay, đeo khẩu trang trước và trong khi ở nhà thờ, cắt giảm thời lượng Thánh lễ và các bài giảng, hoãn/hủy toàn bộ lịch dạy giáo lý, ban hành bí tích giải tội tập thể.
Các nhà thờ/giáo xứ trong Tổng Giáo phận Hà Nội áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Khi giai đoạn 2 của Covid-19 vừa xuất hiện trở lại tại Việt Nam ngày 7/3, sau khi ca nhiễm số 17 được phát hiện tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), ngay đêm 7/3, Linh mục Alphonso – Cha quản chính xứ Cửa Bắc (nơi rất gần với Phố Trúc Bạch - PV) gửi đi thông tin thông báo hủy Thánh lễ sáng thứ Bảy để bảo đảm an toàn cho mọi người.
Cha xứ cho áp dụng ngay các biện pháp khử trùng các hàng ghế và toàn bộ không gian bên trong nhà thờ, bàn thờ... 100% giáo dân khi đi lễ được phát khẩu trang và đề nghị rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn ngay ở các cửa ra vào.
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng cho ban hành một Kinh nguyện đặc biệt, yêu cầu toàn thể các nhà thờ đọc trong Thánh lễ để cầu nguyện cho bệnh dịch chóng qua.
Thánh lễ được cử hành ở tất cả các nhà thờ đều được tối giản ngắn gọn. Trong tuần Chay thánh kể từ sau Thứ Tư Lễ Tro, toàn bộ các nghi thức rườm rà như rước sách, nguyện ngắm 15 sự thương khó, hát và đi Đàng Thánh giá được lược bớt, các Linh mục quản xứ chỉ dâng Thánh lễ ngắn gọn không quá 30 phút/ngày.
Các giáo dân như người già trên 60 tuổi, trẻ em, những giáo dân có biểu hiện ho/sốt/khó thở hoặc có bệnh nền… đều được khuyến cáo không đến nhà thờ.
Bên cạnh đó, Thánh lễ được xuất bản một phiên bản mới qua hình thức online trên các website của các Giáo phận cũng như trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện.
Tại website của Tổng Giáo phận Hà Nội (https://tonggiaophanhanoi.org/) các Thánh lễ đã được cử hành online để phục vụ giáo dân không thể đến nhà thờ.
Ngày 19/3 là Thánh Lễ trọng kính thánh Giuse – Cha nuôi của Chúa Giê su đã được Đức Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội – Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế dâng Lễ online với khoảng 498 giáo dân hiệp thông theo dõi trực tiếp qua fanpage.
Chị Anna Bùi Thái Hà - một giáo dân Hà Nội cho biết: “Là một trong những người đầu tiên được xem lễ online mình cảm thấy có chút bồi hồi và bối rối, đặc biệt là khi tới phần rước lễ thì lúng túng và cảm thấy như không được an tâm nếu không được Hiệp lễ.
Nhưng Cha chủ tế đã trấn an mọi người bằng lời nói: Các con hãy chia sẻ và hiệp thông cùng Cha như Cha đang rước lễ cùng các con! Cảm nhận của mình là được đến 70%-80% hồng ân so với Thánh lễ trực tiếp!”.
Bên cạnh những Thánh lễ đang dần thưa vắng trực tiếp tại các nhà thờ, giáo dân Việt Nam và cộng đồng Công Giáo quốc tế đang hưởng ứng lời Kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico khi vào lúc 9h tối mỗi ngày (giờ Việt Nam), các gia đình sẽ tập trung Đọc kinh - Cầu nguyện.
Được biết, trong dịp Lễ Phục Sinh sắp tới, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính Phủ ngày 20/3, Giáo Hội đang tính toán phương án cử hành Lễ Phục Sinh hiệp thông online. Các nghi thức cũng sẽ cắt giảm.
Đức Giáo Hoàng đã ủng hộ và khuyến khích việc cầu nguyện tham dự online, với việc phát động toàn thế giới giờ cầu nguyện 9h tối.
Các ca sỹ, nhạc sỹ Công Giáo người Việt tại Hải ngoại và trong nước cũng tiếp sức cho niềm tin vào Thiên Chúa bằng những lời ca tiếng hát qua những chương trình livestream trực tiếp hát Thánh Ca từ khắp nơi trên thế giới.
Trước bài học nhãn tiền của EU khi toàn bộ các Thánh lễ phải hủy bỏ vì dịch bệnh bùng phát, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiểu rõ việc chủ động nắm bắt thông tin và tích cực chung tay ứng phó với cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng được ưu tiên hàng đầu.
Tổ chức online 'Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu'
"Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" là chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu, là dự án xã hội dân sự, phi chính phủ, phi lợi nhuận, ra đời với sứ mệnh cao cả: gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu, cùng bạn bè quốc tế bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Dự án này được hình thành từ năm 2015, do các nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn kiều bào của 7 nước thành lập, trong dịp về dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ IX, năm 2015.
Sau 5 năm triển khai, dự án phối hợp với các cơ quan ban ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào, tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và an vị tượng Vua Hùng ở 10 nước trên thế giới như: Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, CHLB Đức, CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraine.
Năm nay, nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), dự án "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" sẽ được tổ chức online trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ lây lan nhanh, không thể thực hiện trên môi trường thực tế.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương toàn cầu sẽ diễn ra từ 31/3 đến 2/4 trên không gian mạng.
Theo ban tổ chức, nội dung "Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online" năm 2020 có hai phần:
Phần một là cuộc thi viết status "Hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu". Người tham gia sẽ viết cảm nghĩ, cảm xúc hoặc các video clip, thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước, với tiên tổ, dân tộc; cảm xúc tự tôn, tự hào dân tộc, kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đồng thời, viết về những câu chuyện cảm động về tình người xa xứ, những câu chuyện của bà con kiều bào, bạn bè quốc tế giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, đại dịch... dành cho công dân Việt Nam và công dân người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
Phần hai có nội dung "Tâm hương hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu", vận động toàn thể bà con trong nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới đồng loạt thay đổi hình ảnh avatar trên trang Facebook cá nhân, Fanpage tập thể bằng logo Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10/3 Âm lịch (tức ngày 2/4/2020) như một nén tâm hương hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Video: 'Đội quân áo choàng trắng' Cuba tới Italy chiến đấu chống Covid-19