Robot hút bụi là một trong những sản phẩm công nghệ đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống gia đình hiện đại bởi những tính năng dọn dẹp, vệ sinh tiện lợi, nhanh chóng và tự động.
Tuy nhiên, người dùng cần phải biết một số đặc tính quan trọng cần phải có trên robot hút bụi để có thể cân nhắc, mua được một sản phẩm ưng ý, đúng với nhu cầu sử dụng của mình.
Bộ lọc HEPA là một trong những thành phần quan trọng nhất trong nhiều thiết bị điện tử gia dụng như máy lọc không khí và robot hút bụi.
Có thể hiểu đơn giản, bộ lọc HEPA là vách ngăn giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có trong không khí trong quá trình robot di chuyển khắp căn phòng của bạn, từ đó giúp môi trường xung quanh trở nên sạch sẽ và trong lành hơn.
Bên cạnh đó, bộ lọc HEPA cũng phần nào giúp tăng cường độ bền của robot hút bụi do hạn chế được việc kẹt bụi gây ra tắc nghẽn cục bộ.
Điểm cộng của robot hút bụi chính là khả năng tự động làm sạch sàn nhà, từ đó việc quay trở về đế sạc mỗi khi gần cạn pin hoặc đầy bụi bên trong là tính năng bắt buộc phải có.
Tuy nhiên, một số chiếc máy hút bụi giá rẻ hoặc thế hệ cũ, khả năng nhận diện dock sạc và quay trở về hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến hiện tượng sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về nhưng nhà cửa vẫn chưa được dọn dẹp sạch sẽ. Chính vì thế, người dùng nên xem thêm các bài đánh giá chuyên sâu cũng như đến các cửa hàng điện máy trải nghiệm thực tế để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Robot hút bụi tiêu chuẩn hầu hết được trang bị hệ thống cảm biến xung quanh thân máy giúp phát hiện chướng ngại vật trong quá trình dọn dẹp sàn nhà. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đây thì khả năng hoạt động của máy không thật sự hiệu quả bởi nội thất nhà cửa của người Việt Nam có sự khác biệt so với các quốc gia khác, điển hình như có khá nhiều bàn ghế và gầm không được cao, dẫn đến việc robot hút bụi không tránh được chướng ngại vật.
Chính vì thế, robot hút bụi của năm 2022 cần phải có thêm các tính năng hỗ trợ khác, bao gồm: Cảm biến LiDar hoặc hệ thống camera thực giúp định vị môi trường xung quanh chuẩn xác hơn. Từ đó, robot có thể phát hiện va chạm cũng như điểm rơi (cầu thang, hành lang) để tránh những trường hợp hư hỏng đáng tiếc xảy ra.
Đã qua rồi thời kỳ sơ khai khi robot hút bụi chỉ làm đúng một chức năng như cái tên của mình. Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều hãng sản xuất đã tích hợp thêm vào trong dòng sản phẩm này nhiều tính năng hữu ích khác, điển hình là lau nhà.
Với những chú robot hút bụi kiêm lau nhà, dưới phần đế sẽ có thêm hai bộ phận là bông lau sàn và hộp chứa nước. Trong quá trình vận hành, bông lau sau khi có nước sẽ được xoay tròn với tốc độ cao để đánh bay vết bẩn bám trên sàn. Trong một số trường hợp, việc bông lau xoay cực nhanh đôi khi còn giúp sàn sạch hơn cả khi lau nhà thủ công đấy.
Tất nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, robot hai trong một, vừa hút vừa lau sàn có mức giá không hề rẻ, giao động từ 15 triệu đến 30 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.
IoT - Internet Vạn Vật, một thuật ngữ chỉ khả năng kết nối mọi thiết bị điện tử trong nhà với nhau thông qua mạng internet và người dùng có thể kiểm soát và điều khiển ở bất cứ nơi đâu thông qua chiếc smartphone của mình.
Từ đó, robot hút bụi cũng là một sản phẩm nằm trong hệ sinh thái Smart Home (nhà thông minh), nên việc có cho mình một phần mềm quản lý, điều khiển sẽ là một điểm cộng rất lớn. Người dùng có thể xem được bản đồ sàn nhà, hiệu quả quét dọn cũng như hẹn giờ dọn dẹp khi đang ở bên ngoài.