Ngày 26/9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho những xã có nguy cơ bị cô lập do mưa lớn và sạt lở do bão Noru, tỉnh đã cấp hơn 220 tấn gạo cho các huyện vùng cao dự trữ để cấp phát cho người dân.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cũng cho hay, để sẵn sàng cho công tác ứng phó với bão số Noru, huyện cũng đã chỉ đạo lên phương án di dời hơn 5.000 nhân khẩu ở những vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở để nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ngoài ra, huyện đã chuyển cho mỗi xã gần 10 tấn gạo để phát cho dân, đảm bảo người dân không thiếu lương thực, thực phẩm trong khoảng thời gian từ 10 -15 ngày nếu trường hợp bị cô lập do mưa bão.
Tương tự, theo ông Hồ Công Điểm - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện các xã vùng cao của huyện đã xuất gạo dự trữ của xã vận chuyển vào các thôn có nguy cơ bị cô lập để cấp, phát cho người dân. Hiện lương thực dự trữ tại 4 xã vùng cao đã đảm bảo cho người dân từ 7-10 ngày nếu xảy ra cô lập vì sạt lở do bão Noru gây ra.
Quảng Nam nhanh chóng triển khai các phương án ứng phó với siêu bão Noru.
Sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đã nhận công văn hỏa tốc của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng biển nguy hiểm.
Theo nội dung công văn hỏa tốc, bão số 4 (bão Noru) đang hoạt động trên khu vực Biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh (cường độ cấp 13-14, giật cấp 16), di chuyển nhanh và đổ bộ vào đất liền nước ta trong ngày 28/9.
Còn theo báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 26/9, hiện có 177 tàu cá (với 1.398 ngư dân) đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão Noru. Trong đó, TP Đà Nẵng có 7 tàu (với 45 ngư dân); Quảng Nam 18 tàu (213 ngư dân); Quảng Ngãi 87 tàu (684 ngư dân) và Bình Định 65 tàu (456 ngư dân).
Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biển pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu các nêu trên di chuyển, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nói tránh trú an toàn.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, tổng số tàu cá tỉnh này có 2.753 tàu và 13.575 lao động. Hiện có 87 tàu với 2.533 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả tàu cá này đều hoạt động xa bờ.
Tại khu vực Hoàng Sa có 28 tàu với 290 lao động. Đặc biệt, còn 18 tàu với 213 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm (hiện 18 tàu này đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm). Khu vực Trường Sa có 59 tàu với 2.243 lao động, các tàu đã nằm trong vùng an toàn.
Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 18,1 tỷ đồng nhu yếu phẩm nếu siêu bão đổ bộ
Cùng ngày, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết đã hoàn thành phương án và đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số bão Noru.
Cụ thể, Sở Công Thương lên phương án cho 2 trường hợp: Bão cấp 12 - 13 (bão rất mạnh) và bão cấp 14 - 17 (siêu bão).
Trường hợp bão rất mạnh (cấp 12 - 13), dự kiến Đà Nẵng sẽ sơ tán 32.248 hộ dân/108.456 người. Dự kiến định mức hỗ trợ là 385.000/hộ (4 mặt hàng gồm: sữa các loại, mỳ tôm, trứng, nước uống, dùng trong 3 ngày). Kinh phí dự kiến 12,42 tỷ đồng.
Trong trường hợp siêu bão (bão cấp 14 - 17), dự kiến sẽ sơ tán 46.900 hộ dân/173.447 người. Với mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 18,1 tỷ đồng.
Người dân Đà Nẵng đi mua lương thực về dự trữ.
Sở Công Thương TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các quận, huyện khi có nhu cầu cần hàng hỗ trợ cho người dân, tùy theo tình hình thực tế phát sinh chủ động liên hệ với các nhà cung ứng (theo thông tin Sở cung cấp thông tin các đầu mối cung ứng, phân phối toàn thành phố) để mua hàng hỗ trợ cho người dân. Các nhà cung ứng có trách nhiệm dự trữ hàng hóa, khi có yêu cầu cung cấp thì vận chuyển hàng hóa đến các quận, huyện theo số lượng đã phân bổ hoặc theo nhu cầu thực tế.
Đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn hàng lương thực, thực phẩm dự trữ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đạt khoảng 82,4 tỷ đồng. Trong đó gồm 56.270 thùng mỳ ăn liền, 22.344 thùng lương khô, 2.714 tấn gạo, nếp các loại, 41.527 thùng nước đóng chai và 833.789 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác. Hàng hóa thiết yếu dự trữ hàng ngày tại 4 chợ loại 1 khoảng 700 triệu đồng, chưa tính các chợ dân sinh khác trên địa bàn.
Thừa Thiên - Huế đảm bảo đủ lương thực chống siêu bão Noru
Để chuẩn bị ứng phó với siêu bão Noru, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo.
Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 07 ngày khi có thiên tai xảy ra.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Cụ thể, di dời để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt là 26.255 hộ/99424 khẩu; di dời để đối phó với bão là 23.762hộ/ 84.930 khẩu; di dời để đối phó với lũ lụt là 17.712 hộ/65.231 khẩu; di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất là 7.087 hộ/ 26.528 khẩu.
Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ. Các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.