Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các startup cộng đồng lần đầu được chào đón tại Viet Solutions 2022

Khó khăn đặc thù trong việc phát triển mô hình khởi nghiệp vì xã hội và cộng đồng không thể cản bước các startup bởi những giá trị nhân văn được lan tỏa.

“Nếu làm một công việc liên quan đến cộng đồng thì khó thật. Không thể nào nói ra rằng: “Tôi tốt lắm, tôi đi làm việc tốt đây”? Ai cần cái sự tốt của mình? Không dễ dàng như vậy đâu, muốn tốt cũng rất khó”, chị Trần Mai Anh, Founder quỹ Thiện nhân & Friends chia sẻ về câu chuyện startup cộng đồng trong buổi hội thảo “Thăm khám sức khỏe startup” hôm 24/8.

Chị Trần Mai Anh đã có kinh nghiệm hơn 10 năm startup cộng đồng với dự án Thiện nhân & Friends, giúp đỡ cho hàng nghìn trẻ em Việt Nam được thăm khám và phẫu thuật dị tật sinh dục hoặc do tai nạn mà mặc cảm cả đời.

Những startup hướng về cộng đồng như chị Mai Anh vẫn được coi là những người theo đuổi đam mê và lý tưởng bằng lòng can đảm. Họ can đảm vì con đường họ chọn vốn bấp bênh bởi những khó khăn chung, lại càng thử thách và chông gai hơn bởi những cái khó đặc thù khi hoạt động với mục tiêu vì cộng đồng. 

Những khó khăn có thể đến từ rào cản của chính sách pháp lý, từ khả năng thu hút nhà đầu tư, khả năng gọi vốn thành công, cơ chế hoạt động và vận hành… Khó khăn hơn nữa khi dự án của họ không thể tiếp cận chính cộng đồng mà họ đang dốc sức cống hiến bởi nhiều lý do, thậm chí, có những startup không thể “sống sót” cho tới khi đạt được kết quả. 

Chị Trần Mai Anh chia sẻ với các startup cộng đồng tại Đà Nẵng

Theo báo cáo của StartupBlink, các startup tại Việt Nam phần lớn tập trung ở 3 lĩnh vực chính là thương mại điện tử - bán lẻ, công nghệ giáo dục và công nghệ thực phẩm. Những xu thế này cho thấy rõ bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam mang dấu hiệu khởi sắc, nhưng cũng chính vì thế mà những startup cộng đồng nhiều khi trở thành “kẻ cô độc” bởi lối đi khác biệt. 

Xã hội phát triển kéo theo nhiều vấn đề nhức nhối. Ý tưởng xây dựng các startup cộng đồng được sinh ra nhằm giải quyết những vấn đề nhức nhối đó, tạo ra nhiều lợi ích, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. 

Dù tồn tại nhiều khó khăn, nhưng không ít dự án startup vì cộng đồng vẫn âm thầm “đơm hoa kết trái”. Đó là các dự án tạo ra giải pháp giúp đỡ đội ngũ y, bác sĩ, người dân trong thời kỳ COVID-19 hoành hành tại Việt Nam; giải pháp giao rau, củ, quả từ vườn tới bàn ăn bằng việc sáng lập trang trại mang tên “Vườn rau nhà mình” của bạn Đinh Thị Thu Hằng; hay dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng” năm 2019 của bạn trẻ Lê Thị Thu Hằng…

Quyết tâm hiện thực hoá những ý tưởng, giải pháp để giúp đỡ và đem lại lợi ích cho cộng đồng, muốn thành công, trước hết startup cần có được sự đồng cảm, ủng hộ và lan tỏa trong chính cộng đồng mà họ hướng tới. 

Theo chị Mai Anh, startup cộng đồng như dự án Thiện Nhân & Friends đều bắt đầu từ lòng tốt nhưng một lòng tốt khởi lên là chưa đủ. Lòng tốt cần được tạo điều kiện để nhân rộng, từ đó phát huy được tối đa sức mạnh của cộng đồng. “Đó là khi làm việc cộng đồng, mình có thể mang niềm tin, niềm yêu ra để trao đổi với mọi người nhưng tuyệt đối không thể là lòng thương hại. Vậy nên điều quan trọng nhất là phải làm sao lan tỏa được năng lượng, mong muốn của mình để mọi người đồng cảm, chung tay hành động cùng dự án”, chị Mai Anh nói.

Những chia sẻ trong buổi hội thảo của chị Trần Mai Anh nằm trong chuỗi hoạt động kick-off cuộc thi Viet Solutions 2022 với chủ đề “Vững vàng thực chiến - Sẵn sàng thành công”. Một trong những điểm đặc biệt trong lần thứ 4 quay trở lại của Viet Solutions năm nay chính là mở rộng lĩnh vực dự thi ra các hoạt động đóng góp vì cộng đồng, là điều rất mới với tất cả các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. 

Đánh giá cao những tiềm năng cũng như giá trị nhân văn sâu sắc của các dự án startup cộng đồng, Viet Solutions mong muốn được nâng đỡ và đồng hành cùng các startup này. Cuộc thi là cơ hội để các startup có những nhận thức đúng đắn trong việc thực thi, quản trị và phát triển dự án, đồng thời tạo điều kiện để những giá trị nhân văn của các dự án được lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng kêu gọi được sự đồng lòng của xã hội.

Theo tiết lộ của Ban tổ chức Viet Solutions 2022, tổng giải thưởng dành cho các giải pháp chiến thắng lên đến 1.8 tỷ VNĐ cùng hợp đồng hợp tác ký kết với Viettel, hưởng lợi 75% doanh thu dự án.

Cuộc thi năm nay được tổ chức với 3 vòng thi. Vòng nhận hồ sơ sẽ diễn ra đến hết ngày 10/9, lựa chọn ra 50 giải pháp đạt tiêu chuẩn để bước vào vòng trong. 

Vòng bán kết sẽ diễn ra với 50 giải pháp được chia làm 5 bảng, mỗi bảng bao gồm 10 giải pháp, tương ứng với 5 lĩnh vực. Các đội nhận đề bài và tham gia thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp dưới sự đánh giá của ban giám khảo và sự lựa chọn của các thí sinh khác, lựa chọn ra 25 giải pháp tiến vào chung kết. Đây cũng là năm đầu tiên mà các đội thi sẽ được trải nghiệm sân khấu thực tế ảo tăng cường (AR) khi tham gia vòng bán kết.

Vòng chung kết diễn ra từ 17 - 21/09 để tìm ra 5 giải pháp xuất sắc nhất cuộc thi để trao giải trong đêm Gala và triển lãm sẽ diễn ra vào ngày 10/10.

Thu Phạm

Tin mới