Tháng 5/2021, Mỹ là một trong những nước đầu tiên tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi, sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta.
Vaccine được sử dụng duy nhất để tiêm cho trẻ em Mỹ là Pfizer/BioNTech và 2 mũi phải cách nhau 21 ngày.
Cuối tuần trước, Pfizer tiếp tục đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ lứa tuổi 5-11.
Liều lượng vaccine để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này bằng 1/3 so với liều lượng dành cho người lớn: 0,1 ml thay vì 0,3 ml.
Pfizer cho biết, trẻ em trong các thử nghiệm của họ phản ứng tốt với vaccine và vaccine tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, tương đương với phản ứng ở nhóm thanh thiếu niên từ 16 đến 25 tuổi.
Dự kiến FDA sẽ thảo luận đề nghị của Pfizer vào ngày 26/10 và 28 triệu trẻ em Mỹ trong độ tuổi 5-11 có thể bắt đầu đi chích ngừa vào cuối tháng.
Mỹ trở thành một trong những nước đầu đầu tiên tiêm cho trẻ từ 12-15 tuổi. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi đó, Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ 2-11 tuổi, sử dụng vaccine Soberana 02 do nước này tự sản xuất. Trước đó, dựa trên kết quả nghiên cứu, Viện vaccine Finlay (IFV) của Cuba khẳng định vaccine Soberana đạt hiệu quả 91,2% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm bệnh ở trẻ em.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho trẻ em trên 2 tuổi được Cuba thực hiện đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos. Việc chủng ngừa cho nhóm trẻ 2-11 tuổi sẽ được thực hiện từ từ song mạnh mẽ, dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới.
Ngay từ hồi tháng 6 năm nay, Trung Quốc phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 cho đối tượng từ 3-17 tuổi. Ngay sau đó, từ khoảng giữa tháng 7, thời điểm các trường học ở Trung Quốc nghỉ hè, công tác tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi chính thức được triển khai.
Trong thông báo đưa ra đầu tháng 8, Bộ Giáo dục Trung Quốc nêu rõ việc tiêm chủng cần được thực hiện với tất cả học sinh đủ điều kiện dưới 18 tuổi với sự đồng ý, tự nguyện của học sinh và người giám hộ.
Với những trẻ đang đi học, việc triển khai tiêm chủng sẽ được tính theo đơn vị trường. Nhóm 16-17 tuổi đã có việc làm sẽ do ngành chủ quản và các quận, huyện phối hợp tổ chức. Nếu không thuộc hai nhóm đối tượng này (bao gồm cả trẻ đi du học), sẽ do xã, phường và khu dân cư tổ chức.
Hiện vaccine dùng cho trẻ em ở Trung Quốc là vaccine bất hoạt của Sinopharm và Sinovac. Trong quá trình tiêm, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ đồng hành cùng trẻ và mang theo các giấy tờ hợp lệ, như chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu. Trẻ được khuyến cáo mặc quần áo rộng, tránh nhịn ăn trước khi tiêm, không vận động mạnh trước và sau khi tiêm, uống nhiều nước sau khi tiêm và chú ý nghỉ ngơi hợp lý.
Ở Đức, từ tháng 6, các cố vấn khoa học nước này khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có tình trạng sức khỏe cơ bản. Tuy nhiên, sang tháng 8 khi biến thể Delta lưu hành rộng rãi, việc triển khai vaccine mở rộng cho tất cả những người trên 12 tuổi.
Một điểm tiêm chủng ở Estonia. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Thụy Điển hôm 6/10 tuyên bố ngừng sử dụng vaccine COVID-19 của Moderna cho những người sinh từ năm 1991 trở lại đây, sau khi có báo cáo về tác dụng phụ hiếm gây viêm tim.
Thông báo của Cơ quan y tế Thụy Điển cho biết nguy cơ bị tác dụng phụ này là rất nhỏ, nhưng đúng là có sự liên hệ đặc biệt rõ giữa vaccine của Moderna với bệnh viêm tim, đặc biệt là sau liều thứ hai.
Cùng với quyết định này, Thụy Điển cho biết sử dụng vaccine của Pfizer thay thế.
Tại Hong Kong, ngành y tế thành phố này cho biết tỷ lệ viêm tim ở người trẻ tuổi sau khi tiêm vaccine COVID-19 tăng gần gấp đôi, từ 0,005% lên 0,02% sau liều thứ 2.
Các chuyên gia y tế của Hong Kong khuyến cáo chỉ nên tiêm 1 liều vaccine Pfizer cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Với Na Uy, quốc gia này triển khai vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, nhưng sẽ chỉ tiêm liều đầu tiên và quyết định về liều thứ 2 sẽ được công bố sau.
Tại khu vực Đông Nam Á, các nước cũng sớm rục rịch tiêm chủng cho trẻ.
Singapore dự kiến sẽ tiêm chủng cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022. "Trong bối cảnh số ca bệnh ngày càng tăng, các bậc cha mẹ rất lo lắng về nguy cơ con mình bị mắc COVID-19. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tiến trình thử nghiệm vaccine trên trẻ em ở Mỹ", Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Ông Lý nói Singapore sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em ngay sau khi vaccine được phê duyệt cho nhóm này, với điều kiện các chuyên gia cũng đảm bảo rằng điều này là an toàn.
Ở Philippines, công tác chuẩn bị cho việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi cũng đang được thực hiện. Ngày 15/10 tới đây, 6 bệnh viện sẽ tại khu vực thủ đô Manila sẽ tiêm chủng thí điểm cho trẻ em. Bộ Y tế Philippines cho biết, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ được thực hiện "theo từng giai đoạn", ban đầu ưu tiên những trẻ từ 15 đến 17 tuổi mắc bệnh lý nền, tiếp theo là những trẻ từ 12 đến 14 tuổi.
Campuchia là một trong những nước tiêm chủng cho trẻ nhanh nhất trong khu vực.
Theo báo Khmer Times, Campuchia đã tiêm vaccine COVID-19 cho 94,72% trẻ từ 6-12 tuổi.
Tính đến ngày 9/10, tổng số 159.768 trẻ em nước này được tiêm chủng đầy đủ cả 2 mũi. Đây là tiền đề quan trọng để Campuchia mở cửa trở lại trường lớp.