Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các nước quy định thế nào về quấy rối tình dục ở công sở?

(VTC News) -

Quấy rối tình dục trở thành vấn nạn tại công sở ở nhiều quốc gia và mỗi nước có những quy định, định nghĩa khác biệt liên quan tới hành vi này.

Tháng 1/2018, dư luận Hàn Quốc chấn động sau khi nữ công tố viên Seo Ji Hyun tố cáo một cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp sàm sỡ mình từ 8 năm trước. Seo báo cáo cấp trên nhưng bị chính người này giáng chức để bưng bít câu chuyện. 

Vụ việc trên là khởi nguồn cho làn sóng #MeToo ở Hàn Quốc. Nhiều phụ nữ nói rằng họ cũng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục nơi công sở. 

Khoảng 7 tháng sau khi câu chuyện của Seo được đưa ra ánh sáng, Hàn Quốc bắt đầu thực thi luật chống quấy rối tại công sở. Theo đó, lãnh đạo có hành vi quấy rối tình dục đối với cấp dưới có thể đối mặt án tù đến ba năm hoặc phạt tiền tới 30 triệu won (gần 25.000 USD). 

Cấp trên không được phép sa thải nhân viên trong trường hợp bị tố cáo về hành vi quấy rối tình dục. Nạn nhân cũng có thể nộp đơn xin bồi thường nếu gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi bị quấy rối tại nơi làm việc.

Để giúp các công sở Hàn Quốc thuận tiện trong việc thi hành luật và xử phạt, chính phủ Hàn Quốc ban hành các hướng dẫn về loại hành vi bị coi là quấy rối, trong đó có cả việc tung tin đồn về đồng nghiệp, lan truyền thông tin cá nhân, ép uống rượu, hút thuốc hoặc tham dự tiệc tối.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là tình trạng khá phổ biến ở Hàn Quốc, với khoảng 70% nhân viên bị ảnh hưởng. 12% trong số này nói họ phải đối mặt các hành vi quấy rối tình dục hàng ngày. 

Trong khi đó tại Mỹ, Ủy ban Cơ hội việc làm công bằng liên bang định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi dùng lời ve vãn tình dục, yêu cầu quan hệ tình dục trái ý muốn của người khác; có cử chỉ, lời nói gợi ý về tình dục mà thái độ phục tùng hay phản đối của cá nhân được gợi ý có liên quan quyền lợi, công việc, môi trường lao động của cá nhân đó.

Tòa án Mỹ đã liệt kê cụ thể các hành vi quấy rối tình dục, bao gồm lời nói đùa khiêu dâm, lời bình luận hay cách ăn nói dâm dục; các hành vi gây phiền hà hay ép buộc mang tính chất gợi dục như sờ mó, vỗ nhẹ, đụng chạm, véo, hôn hít, vuốt ve...

Hai vấn đề mấu chốt để xác định tội quấy rối tình dục là thái độ của nạn nhân và tính chất gợi dục của hành vi quấy rối. Một người bị buộc tội quấy rối tình dục khi có hành vi gây phiền hà cho nạn nhân và khi nạn nhân buộc phải chịu đựng hành vi chỉ vì không muốn bị đối xử tệ trong công việc (chịu quấy rối tình dục để khỏi bị mất việc).

Đạo luật quyền công dân liên bang của Mỹ cho phép nạn nhân bị quấy rối tình dục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về các khoản tiền lương, tiền phúc lợi bị mất, chi phí thuê luật sư, trả cho giám định viên, điều trị y tế. Tiền bồi thường thiệt hại ở mức tối đa 300.000 USD. Chủ doanh nghiệp, cơ quan cũng có thể bị quy trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục trong một số trường hợp.

Tại Mỹ, hồi tháng 3, Tổng thống Biden ký thông qua dự luật chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật trên vô hiệu hóa bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng lao động cấm nạn nhân bị tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục kiện kẻ xâm hại hoặc công ty chủ quản lên tòa án.

Các nước định nghĩa khác nhau về quấy rối tình dục nơi công sở. (Ảnh: BI)

Trước khi trình để ông Biden ký, các nghị sĩ bảo trợ dự luật này khẳng định khoảng 60 triệu người lao động Mỹ đang bị ràng buộc bởi điều khoản quy định họ không được kiện hành vi quấy rối tình dục lên tòa án, mà phải khiếu nại qua trọng tài. Trong một số trường hợp, người lao động thậm chí không được biết về điều khoản này.

Luật sư của các nạn nhân cho rằng tiến trình phân xử qua trọng tài hạn chế trách nhiệm giải trình của đối tượng quấy rối và cản trở việc công khai các cáo buộc.

Pháp luật Singapore quy định quấy rối tại nơi làm việc là khi đối tượng thể hiện hành vi gây ra hoặc có khả năng gây ra sự quấy rối, sự lo lắng, sợ hãi hoặc gây nỗi buồn, sự đau khổ cho nạn nhân. Hành vi có thể là quấy rối tại nơi làm việc ở Singapore bao gồm đe doạ, lạm dụng, sỉ nhục, quay lén, đụng chạm vào cơ thể trái ý muốn... 

Sự tán tỉnh vô hại giữa các bên đồng nghiệp trong cơ quan không phải là quấy rối tình dục. Tuy nhiên, khi hai bên không có quan hệ tình cảm, một bên dù thể hiện sự không đồng thuận nhưng bên kia vẫn có hành vi làm phiền, gạ gẫm về thể xác, động chạm hoặc có lời nói chứa đựng nội dung liên quan tình dục, cũng đủ để cấu thành hành vi quấy rối tình dục.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ giới hạn trong môi trường văn phòng. Bất kỳ hành vi sai trái nào trong một hoạt động liên quan công việc, chẳng hạn sự kiện của công ty, hoạt động tập thể, dã ngoại hoặc đi công tác… đều bị liệt là quấy rối tình dục. 

Người thực hiện hành vi quấy rối không nhất thiết phải là đồng nghiệp tại nơi làm việc. Họ có thể là khách hàng, nhà cung cấp hoặc đồng nghiệp từ bên ngoài doanh nghiệp. 

Năm 2021, giới chức Singapore xử lý 378 vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 

Bộ Nhân lực (MOM) và Liên minh Ba bên về Thực tiễn Việc làm Công bằng và Tiến bộ (TAFEP), trong một tuyên bố chung đưa ra hồi tháng 12/2021, khẳng định chính phủ Singapore không dung thứ cho bất kỳ hình thức quấy rối nào tại nơi làm việc.

Tuyên bố này cũng cho hay các vấn đề liên quan quấy rối tình dục công sở đã được quy định rõ thành luật như trong Đạo luật Bảo vệ khỏi Quấy rối và Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng tăng cường giáo dục và tiếp cận với các công ty.

Tại Anh, quấy rối tình dục là hành vi xảy ra một lần hoặc liên tục, bao gồm tán tính, nhận xét khiếm nhã về cơ thể, quần áo, ngoại hình; đặt câu hỏi về đời sống tình dục của người khác, đưa ra nhận xét hoặc đùa cợt về khuynh hướng tình dục, giới tính; chạm vào ai đó trái với ý muốn của họ. Nó có có thể xảy ra trực tiếp hoặc theo những hình thức khác như gửi email, nhắn tin... 

Điều mà một số người có thể coi là đùa, bỡn cợt hoặc một phần trong văn hóa làm việc của họ vẫn có thể coi là hành vi quấy rối tình dục ở Anh. (Ảnh: QC)

Điều mà một số người có thể coi là đùa, bỡn cợt hoặc một phần trong văn hóa làm việc của họ vẫn có thể coi là hành vi quấy rối tình dục nếu nó tạo ra sự đe dọa, thù địch, hạ thấp, sỉ nhục hoặc xúc phạm người khác. 

Đạo luật bình đẳng năm 2010 của Anh quy định người sử dụng lao động phải làm những gì có thể một cách hợp lý để bảo vệ nhân viên khỏi hành vi quấy rối tình dục và thực hiện các bước để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Bất kỳ ai có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đều phải chịu trách nhiệm về hành động của chính họ. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc. 

Hồi cuối năm 2021, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc thảo luận về dự luật thêm sự bảo vệ đối với phụ nữ khỏi nạn phân biệt giới tính và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 

Thay vì chỉ đề cập chung chung như trước, dự thảo sửa đổi quy định quấy rối tình dục bao gồm “cách diễn đạt bằng lời nói mang hàm ý tình dục” và truyền tải nội dung nghe nhìn có “hàm ý tình dục rõ ràng”. 

Ngoài ra, một người sẽ phạm pháp khi ép buộc phụ nữ làm điều trái ý muốn của họ thông qua lời nói, hoặc hành vi không phù hợp, hay đề xuất đánh đổi các mối quan hệ hoặc tình dục lấy lợi ích khác. 

Dự thảo sửa đổi cũng quy định rõ hơn về trách nhiệm của những người sử dụng lao động để ngăn chặn và hạn chế quấy rối tình dục nơi công sở.

Theo đó, các công ty, chủ sử dụng lao động cần áp dụng chính sách chống quấy rối tình dục bằng văn bản, thực hiện đào tạo cho nhân viên, xử lý các nhân viên có hành quấy rối tình dục, thiết lập đường dây nóng và hộp thư để tiếp nhận các khiếu nại, thiết lập các thủ tục điều tra và các hình thức kỷ luật.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới