Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các nước phát triển phớt lờ kêu gọi ngừng tiêm chủng bổ sung của WHO

(VTC News) -

Đức, Pháp và Israel tiếp tục lên kế hoạch triển khai các liều vaccine COVID-19 bổ sung bất chấp lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cho biết nước này đang nỗ lực triển khai chương trình tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người cao tuổi và dễ bị tổn thương từ tháng 9.

Cùng thời gian này, nước Đức cũng thực hiện tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và bất kỳ ai đã tiêm đủ mũi vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson. 

Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi các công dân lớn tuổi tiêm mũi vaccine thứ ba sau khi chính phủ nước này khởi động chiến dịch tiêm tăng cường vaccine vào tháng trước. 

"Bất cứ ai trên 60 tuổi và chưa tiêm liều vaccine thứ 3 sẽ dễ bị bệnh nặng và có nguy cơ tử vong cao gấp 6 lần", Thủ tướng Israel nhấn mạnh.

Nhiều nước tiếp tục kế hoạch tiêm liều vaccine bổ sung bất chấp lời kêu gọi của WHO. (Ảnh: CNET)

Tại một cuộc thảo luận trực tuyến với công chúng và các nhà báo, nhà lãnh đạo Isreal cho biết nỗ lực tiêm liều vaccine Pfizer-BioNTech thứ ba cho những người trên 60 tuổi của Israel sẽ mang đến dữ liệu quan trọng giúp thế giới chống lại biến thể Delta.

"Israel - với dân số 9,3 triệu người là một quốc gia nhỏ và việc sử dụng vaccine không thực sự ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung của thế giới", ông Bennett nói thêm.

Hôm 4/8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom kêu gọi các nước tạm dừng tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường ít nhất tới cuối tháng 9 để đảm bảo nguồn cung vaccine cho những quốc gia nghèo hơn.

"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chưa được bảo vệ”, ông Ghebreyesus cho hay.

Đức bỏ qua lời kêu gọi này, nhưng cam kết sẽ tặng ít nhất 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo. 

"Chúng tôi muốn cung cấp liều vaccine bổ sung cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Đức, đồng thời hỗ trợ việc tiêm chủng cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt”, Bộ Y tế Đức khẳng định. 

Sau tuyên bố của người đứng đầu WHO, Nhà Trắng cho biết họ sẵn sàng cung cấp các mũi tiêm nhắc lại nếu cần. Tuyên bố này khiến nhiều người tin rằng Mỹ cũng đang bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới. 

Trong khi đó, hãng dược Pfizer của Mỹ nhấn mạnh các liều bổ sung là cần thiết vì các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả của vaccine của họ giảm dần theo thời gian.

Các cơ quan quản lý y tế Mỹ nói cần có thêm bằng chứng khoa học về mũi tiêm thứ 3, nhưng cũng thừa nhận việc tiêm mũi bổ sung là cần thiết cho những người có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương.

Một điểm tiêm chủng tại Israel. (Ảnh: Getty Images)

Chính phủ của ông Macron đang cố gắng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng của Pháp khi nước này phải đương đầu với làn sóng COVID-19 thứ 4 và các cuộc biểu tình phản đối các chính sách chống COVID-19. 

64,5% người Pháp được tiêm đủ 1 liều, 49% tiêm đủ 2 liều. Các con số này ở Đức là 62% và 53%. 

Hôm 5/8, Chile cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm nhắc lại cho những người đã chích ngừa vaccine Sinovac của Trung Quốc. 

Quốc gia Nam Mỹ khởi động một trong những chiến dịch tiêm chủng hàng loạt nhanh nhất thế giới vào tháng 2 và hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% dân số. Họ chủ yếu sử dụng vaccine Sinovac.

Từ ngày 11/8, Chile sẽ bắt đầu tiêm bổ sung vaccine Astrazeneca với các công dân trên 55 tuổi đã tiêm phòng trước ngày 31/3. 

Bà Paula Daza - Thứ trưởng Bộ Y tế Chile cho biết các nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ ra rằng các liều bổ sung sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Dù vậy, bà khẳng định Chile sẽ tặng vaccine cho các nước láng giềng. 

Song Hy

Tin mới