Cuối tuần qua, một số nước giàu có nhất châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi trận đại hồng thủy tấn công Đức, Bỉ, nhấn chìm hàng loạt thị trấn.
Chỉ vài ngày trước đó ở phía tây bắc Mỹ - một khu vực nổi tiếng với thời tiết mát mẻ và nhiều sương mù, hàng trăm người chết vì nắng nóng.
Cuối tuần này, vùng núi Rocky Mountain chuẩn bị đón một đợt nắng nóng khác khi cháy rừng lan rộng khắp 12 tiểu bang miền Tây nước Mỹ.
Tại Canada, một trận cháy rừng thiêu rụi một ngôi làng trên bản đồ. Thủ đô Moskva của Nga đang quay cuồng với mức nhiệt kỷ lục.
Chưa sẵn sàng trước biến đổi khí hậu
Các thảm họa thời tiết khắc nghiệt khắp châu Âu và Bắc Mỹ đang chỉ ra một sự thật không thể chối bỏ: Thế giới vẫn chưa sẵn sàng làm chậm lại biến đổi khí hậu cũng như chưa sống chung với hiện tượng này.
Các phương tiện ngập trong nước lũ trên một tuyến cao tốc ở Erftstadt, Đức hôm 17/7. (Ảnh: EPA-EFE)
Các sự kiện tuần qua tàn phá một số quốc gia giàu có nhất thế giới, những quốc gia mà sự thịnh vượng của họ được tạo ra nhờ hơn một thể kỷ đốt than, dầu và khí đốt - các hoạt động bơm vào khí quyển các loại khí gây hiệu ứng nhà kính làm thế giới nóng lên.
"Nhiều người không nhận ra rằng thích ứng là điều chúng ta phải làm bây giờ", Tiến sĩ Friederike Otto, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thay đổi Khí hậu của Oxford cho biết.
Lũ lụt ở châu Âu khiến gần 200 người thiệt mạng. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là Đức - nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.
Hàng loạt các câu hỏi đang được đặt ra về việc liệu giới chức các nước có cảnh báo đầy đủ cho công chúng về rủi ro hay không.
Nhiều ý kiến khác thắc mắc liệu các thảm họa đang gia tăng ở các nước phát triển có ảnh hưởng tới những gì mà các quốc gia và công ty có ảnh hưởng nhất trên thế giới sẽ làm để giảm lượng phát thải khí nhà kính hay không.
Tháng 11 tới, hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland. Đây là dịp để các quốc gia thảo luận về cách kiềm chế lượng phát thải nhằm ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất mà biến đổi khí hậu gây ra.
Các thảm họa do hiện tượng nóng lên toàn cầu tàn phá các nước đang phát triển nhiều năm qua. Mùa màng ở Bangladesh bị phá hủy, các ngôi làng ở Honduras bị san phẳng, Philippines phải hứng chịu hàng chục cơn bão trong một năm.
Giờ đây, các nước giàu có hơn ở Mỹ và châu Âu trở thành nạn nhân của thời tiết.
Lửa bốc lên từ cánh rừng ở California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi Thỏa thuận Paris 2015 được đàm phán với mục tiêu ngăn chặn tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu, lượng khí thải toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên. Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới. Thông số này đang giảm ở Mỹ và châu Âu nhưng tốc độ còn rất chậm.
"Mặc dù không phải tất cả các nước đều chịu ảnh hưởng như nhau, nhưng sự kiện bi thảm này là một lời nhắc nhở rằng trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai được an toàn dù họ sống ở một đảo quốc nhỏ như của chúng tôi hay một quốc gia Tây Âu phát triển", ông Mohamed Nasheed - cựu Tổng thống Maldives, quốc đảo có nguy cơ bị xóa sổ nếu nước biển dâng cao nói.
Coi thường dự báo
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đề xuất luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu vào năm 2035, yêu cầu hầu hết các ngành công nghiệp phải trả phí cho lượng khí thải mà họ tạo ra. Đáng kể nhất là đề xuất áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt.
Nhưng những đề nghị này được cho là sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ bên trong châu Âu và từ các quốc gia mà các doanh nghiệp của họ có thể bị đe dọa nếu đề xuất áp thuế trở thành hiện thực.
Các sự kiện thảm khốc mùa hè thực chất nằm trong các dự báo từ nhiều năm trước. Một đánh giá khoa học năm 2018 cảnh báo việc không giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với thời điểm bắt đầu thời đại công nghiệp có thể dẫn tới những kết quả thảm khốc, từ ngập lụt ở các thành phố ven biển đến mất mùa ở nhiều nơi của thế giới.
Báo cáo cũng cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới một con đường thực tế dù khá hẹp để thoát khỏi hỗn loạn là giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, kể từ đó, lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng, nhiều đến mức nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 1 độ C so với năm 1880, thu hẹp con đường để giữ mức tăng dưới ngưỡng 1,5 độ C.
Mỹ, Canada như biển lửa nhìn từ vệ tinh vì nắng nóng. (Ảnh: ESA)
Trong một nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Otto và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế kết luận đợt nắng nóng bất thường ở tây bắc Mỹ vào cuối tháng trước gần như chắc chắn sẽ không xảy ra nếu không có hiện tượng trái đất nóng lên.
Các nhà khoa học cũng tin rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn do hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Một bài báo được công bố tuần trước dự đoán sự gia tăng đáng kể các trận mưa bão di chuyển chậm nhưng dữ dội trên khắp châu Âu vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.
"Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi mà chúng ta tạo ra và tránh gây ra thêm các thay đổi bằng cách giảm lượng khí thải", Giáo sư Richard Betts tại Đại học Exeter cho biết.
Thông điệp đó dường như không quá được các nhà hoạch định chính sách và có lẽ cả công chúng, đặc biệt là ở các nước phát triển để tâm.
Kết quả là thiếu sự chuẩn bị, ngay cả ở những nước có nguồn lực mạnh.
Tại Mỹ, lũ lụt cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người từ năm 2010, theo số liệu liên bang. Số người chết vì nắng nóng ở Mỹ hay Canada cũng tăng đột biến trong nhiều năm gần đây.
Một lý do khác là các chính trị gia không có động lực chính trị để chi tiền cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo tiến sĩ Samantha Montano, giáo sư về quản lý khẩn cấp tại Học viện Hàng hải Massachusetts, vào thời điểm các cơ sở hạ tầng lũ lụt mới trong cộng đồng mà các chính trị gia đề xuất xây dựng hoàn thành, họ có thể sẽ không còn ở văn phòng nữa.
Trong khi hiện tại, họ phải thuyết phục chính quyền chi ra hàng triệu, hàng tỷ USD để ứng phó với các thảm họa mà nhiều người cho là khó có thể xảy ra trong tương lai.