Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các nhà khoa học choáng váng trước sức nóng kỷ lục của Trái đất trong tháng 9

(VTC News) -

Các nhà nghiên cứu cho biết, khí thải carbon đang khiến biến đổi khí hậu toàn cầu trở nên trầm trọng và hiện tượng El Niño càng thúc đẩy nhanh quá trình này.

Guardian dẫn các báo cáo mới đây cho thấy, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 9/2023 với chênh lệch rất lớn so với mức trung bình. Thậm chí nhiều nhà khoa học tỏ ra choáng váng trước đồ thị nền nhiệt trung bình Trái đất trong 80 năm qua.

Tháng 9/2023 được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử, xếp ngay sau đó là tháng 8 và tháng 7. Nhiệt độ cao đã gây ra các đợt nắng nóng và cháy rừng trên khắp thế giới.

Tháng 9/2023 cũng phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình tháng tăng cao nhất với mức tăng chưa có. Theo ghi nhận trong tháng 9, Trái đất đã ấm hơn 1,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp dựa trên các số liệu của các nhà khoa học đến từ châu Âu và Nhật Bản.

Tháng 9/2023 được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử, xếp ngay sau đó là tháng 8 và tháng 7. (Ảnh: AP)

Các nhà nghiên cứu cho rằng lượng phát thải khí thải carbon ngày càng tăng kết hợp với sự thay đổi nhanh chóng của hiện tượng El Niño đang khiến Trái đất nóng hơn bao giờ hết. Trong khi đó hiện tượng La Niña ở Thái Bình Dương ba năm trước dù có khiến nhiệt độ toàn cầu giảm đi vài phần nhưng nó chỉ mang tính tạm thời.

Khi nguồn nhiệt ở các đại dương được giải phóng cùng với hiện tượng El Niño, Trái đất chính thức bước vào năm nóng nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy năm 2024 có thể còn nóng hơn vì tác động của El Niño sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Nắng nóng cũng đạt mức kỷ lục ở nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Đức và Ba Lan. Ở Anh cũng chứng kiến ​​tháng 9 nóng nhất kỷ lục từ nguồn dữ liệu được cập nhật từ năm 1884 đến nay.

Tại Australia, nhà khoa học khí hậu Joelle Gergis cho biết: “Những quan sát về khí hậu của Australia vào tháng 9 thật gây sốc. Số liệu cho thấy nhiệt độ tối đa cao nhất trong lịch sử, với nhiều khu vực cao hơn mức trung bình từ 3 độ C đến 5 độ C. Lượng mưa thiếu hụt là nguyên nhân gây ra hạn hán. Mùa hè sẽ rất khắc nghiệt”.

Tháng 9/2023 là tháng nóng nhất từng được con người ghi nhận. (Ảnh: Copernicus/ERA5)

Còn theo nhà khoa học Zeke Hausfather thuộc dự án dữ liệu khí hậu Trái đất Berkeley, trong khi hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra và El Niño là những yếu tố lớn nhất gây ra nhiệt độ kỷ lục, thì các yếu tố khác cũng có thể góp phần làm tăng nhiệt độ . Chúng bao gồm sự gia tăng chu kỳ mặt trời 11 năm, khí thải oxit lưu huỳnh từ hoạt động vận chuyển và công nghiệp cũng như vụ phun trào núi lửa ở Tonga đã giải phóng một lượng lớn hơi nước, giữ nhiệt.

Trong một cuộc điều tra mới đây do Guardian thực hiện với 45 nhà khoa khí hậu hàng đầu, tất cả đều cho rằng nền nhiệt Trái đất tăng kỷ lục có thể bước ngoặt đáng báo động, nhưng xu hướng nóng lên toàn cầu nói chung cho đến nay hoàn toàn phù hợp với những dự đoán khoa học trong ba thập kỷ qua.

Các tác động thời tiết ngày càng nghiêm trọng cũng đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu, mặc dù tốc độ và cường độ của thực tế cũng như tính dễ bị tổn thương bất ngờ của nhiều người dân khiến một số người lo sợ. Nhiệt độ nước biển tăng và sự mất băng ở biển Nam Cực được coi là những sự kiện gây sốc nhất.

Các nhà khoa học cho biết những sự kiện đặc biệt của năm 2023 có thể trở thành một năm bình thường chỉ sau một thập kỷ tới, trừ khi có sự gia tăng đáng kể các hành động của các nước nhằm thay đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ ra một hành động rất quan trọng đó là giảm việc đốt nhiên liệu hóa thạch xuống mức 0 càng sớm càng tốt.

Trà Khánh

Tin mới