Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Các ngân hàng được bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ

Hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ, qua đó bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hoạt động kinh doanh.

Trong thông báo mới nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông MBBank vào ngày 23/8 để ngân hàng này trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021 cho cổ đông.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MBBank dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng.

Ngân hàng ồ ạt tăng vốn

Với mức vốn điều lệ kể trên, MBBank sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 sau BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Trước đó, phương án tăng vốn điều lệ của MBBank đã được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 hồi tháng 4, tổng mức tăng dự kiến trong năm nay sẽ đưa vốn ngân hàng lên trên 46.882 tỷ đồng.

Không riêng MBBank, hàng loạt ngân hàng cũng đã được cơ quan quản lý chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thời gian gần đây.

SHB cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của ngân hàng lên 26.674 tỷ đồng. Trước đó, nhà băng này đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn theo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán, tương ứng với số cổ phiếu đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết bổ sung và đưa vào giao dịch trên thị trường.

Lãnh đạo SHB thông tin, theo kế hoạch đặt ra, ngân hàng sẽ tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.

NHNN đã chấp thuận cho các ngân hàng thương mại tăng hàng chục tỷ đồng vốn điều lệ từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Chí Hùng).

Hiện ngân hàng hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn, bao gồm 3 cấu phần là chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:20, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu; và chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cũng trong nửa đầu tháng 8, cơ quan quản lý tiền tệ đã chấp thuận để HDBank tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm dự kiến được lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2021 thông qua trả cổ tức tỷ lệ 25% và một phần cổ phiếu phát sinh từ giao dịch chi trả ESOP cho nhân viên.

Với trên 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, HDBank dự kiến dùng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.

Tương tự, NamABank cũng cho biết, đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.230 tỷ đồng vốn tăng thêm được thực hiện qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 370 tỷ đồng tăng thêm thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng như Kienlongbank, SeABank, Techcombank, ACB, Vietcapital Bank, OCB… đều đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Trong đó, các phương án tăng phổ biến của nhóm ngân hàng này là chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên.

Sẽ tăng thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn

Theo thống kê của Zing, riêng năm nay đã có trên 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn. Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank và BIDV, năm 2022 cũng chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh của nhóm ngân hàng tư nhân như VPBank, MBBank, ACB, SHB, HDBank…

Ngoài đưa ra kế hoạch tăng vốn lên 36.459 tỷ đồng mới đưa ra, SHB còn có kế hoạch phát hành tối đa 20% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nếu thực hiện xong trong năm nay, vốn điều lệ của ngân hàng này có thể đạt 43.750 tỷ đồng.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau trích quỹ năm 2021 (khoảng 9.624 tỷ) để chia cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn. Nếu thực hiện được kế hoạch này, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức gần 57.700 tỷ.

Tương tự, Vietcombank đã trình kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với phần lợi nhuận còn lại đến cuối năm 2021 để tăng vốn. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 18,1%) để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 55.891 tỷ.

Với kế hoạch kể trên, đến cuối năm 2022, VietinBank và Vietcombank có thể ghi nhận mức vốn điều lệ xấp xỉ 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, cả 2 nhà băng này sẽ không còn duy trì vị thế dẫn đầu hệ thống về quy mô vốn, khi VPBank đã trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 79.000 tỷ đồng năm nay.

Cụ thể, việc tăng vốn của ngân hàng này dự kiến được thực hiện thông qua 2 đợt. Trong đó, ở đợt 1, VPBank sẽ phát hành gần 2,24 tỷ cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 50%). Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng từ 45.057 tỷ lên 67.434 tỷ đồng. Đến đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 79.334 tỷ đồng.

Thông qua 2 giao dịch này, VPBank có thể trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, vượt xa nhóm ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank hay BIDV.

Theo kế hoạch, đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại sẽ được ngân hàng thực hiện ngay khi NHNN và Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.

Ước tính theo kế hoạch các nhà băng công bố, hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ năm nay. Mức vốn điều lệ này sẽ giúp ngành ngân hàng mở rộng đáng kể dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Tương ứng là lượng cung cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể để thị trường chứng khoán.

Nguồn: Zing News

Tin mới