Ngày 9/10, Cục Hàng không Việt Nam ban hành kế hoạch phân bổ suất bay (slot) nội địa cho các hãng hàng không trong giai đoạn từ ngày 10 đến ngày 20/10.
Trong đó, chặng bay Hà Nội - TP.HCM được Cục Hàng không giao hết slot cho Vietnam Airlines. Hãng hàng không Quốc gia sẽ khai thác chặng bay này từ ngày 10/10 đến 20/10 với tần suất một chuyến khứ hồi/ngày.
Ngoài ra, Vietnam Airlines được khai thác toàn bộ 3 chặng bay khác gồm TP.HCM - Rạch Giá, Thanh Hóa - Lâm Đồng và TP.HCM - Cà Mau.
VietJet Air được giao khai thác toàn bộ chặng Đà Nẵng - Cần Thơ và TP.HCM - Gia Lai. Bamboo Airways được giao khai thác toàn bộ chặng Đà Nẵng - Đắk Lắk và Hà Nội - Điện Biên.
Ngoài 8 đường bay được "độc quyền" cho từng hãng như trên, Cục Hàng không chia slot của 12 đường bay còn lại theo tỉ lệ 5-3-2-1. Cụ thể với mỗi đường bay, trong 11 ngày, Vietnam Airlines được bay 5 ngày, VietJet bay 3 ngày, Bamboo 2 ngày và Pacific Airlines 1 ngày.
Trong tổng số 220 chuyến bay khứ hồi được khai thác trong giai đoạn này, Vietnam Airlines được bay 104 chuyến, VietJet bay 58 chuyến, Bamboo bay 46 chuyến và Pacific Arlines bay 12 chuyến.
Chuyến bay của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Linh)
Đánh giá về tần suất bay như trên, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó giám đốc Bamboo Airways, cho rằng các hãng hàng không sẽ không thể khai thác có lãi, nhất là trong điều kiện mỗi chuyến bay chỉ chở 50% số khách và mỗi đường bay chỉ khai thác một chuyến/ngày.
"Dù giá vé có kịch trần cũng không thể lãi được, nhìn thấy trước là lỗ", ông Trọng chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo hãng hàng không ghi nhận ý nghĩa của giai đoạn này như một cuộc "chạy đà" của toàn bộ hệ thống, từ phi công, máy bay, nhân viên kỹ thuật, đội ngũ thương mại, phòng vé...
"Các phi công sẽ được làm quen lại với cảm giác bay sau thời gian dài 'ngủ đông'. Đây cũng là dịp bảo dưỡng, bảo trì máy bay để sẵn sàng cất cánh", ông Trọng chia sẻ.
Đồng quan điểm, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt, gọi giai đoạn tới là cơ hội để các phi công "bay hồi phục" hay "khôi phục cảm giác bay" sau những ngày nghỉ bay vì dịch bệnh.
"Ví dụ, một phi công trong 90 ngày phải có 3 lần lần cất hạ cánh, trong 3 lần hạ cánh phải có 1 lần hạ cánh đêm... không đạt đủ chỉ tiêu này thì phải huấn luyện lại, mà huấn luyện thì tốn tiền", ông Liên chia sẻ.
Vài tháng qua, do tần suất bay sụt giảm, các hãng hàng không phải áp dụng giải pháp cho phi công bay luân phiên để duy trì năng định. Các hãng cũng phải bỏ thêm chi phí sử dụng các phòng SIM (buồng lái mô phỏng) để phục hồi kỹ năng cho phi công.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), bên cạnh đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế, việc mở lại đường bay nội địa còn giúp khôi phục doanh thu cho các hãng hàng không.
Theo VABA, doanh thu của các hãng hàng không đã giảm xuống còn chưa đến 10% so với trước dịch. Việc dừng bay đã khiến ngành hàng không thiệt hại doanh thu trên 500 tỷ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày (70% khách du lịch do hàng không vận chuyển) so với thời kỳ 2019.